Bài viết này sẽ tổng hợp các lỗi chủ quan và khách quan trong biên dịch, đồng thời đề xuất các tip tương ứng nhằm phòng tránh sai lỗi trong dịch thuật, để cho ra các bản dịch chất lượng, nhờ đó liên tục đáp ứng và vượt trên kỳ vọng của khách hàng, đồng thời nâng cao uy tín và vị thế của cá nhân, cũng như doanh nghiệp trong thị trường dịch thuật.
Phân biệt Lỗi chủ quan và Lỗi khách quan
Lỗi khách quan là những lỗi rõ ràng, hiển nhiên, không cần bàn cãi, ví dụ như lỗi chính tả, ngữ pháp, thừa/thiếu hoặc sai khác hiển nhiên.
Lỗi chủ quan là những lỗi mang tính cá nhân của người dịch mà không phải lúc nào cũng có thể phân định rõ ràng.
1. Lỗi dịch thừa/thiếu
Loại lỗi: Khách quan/Chủ quan
Lỗi dịch thừa/thiếu đa số các trường hợp là lỗi khách quan, ví dụ như: thừa thiếu dấu câu, dịch sót ý, sót số do “nhìn nhầm”, hoặc dịch thừa ý do sai sót khi tham khảo TM (bộ nhớ dịch) trong công cụ dịch thuật như Trados, Memsource, MemoQ, SmartCart, v.v.
Nhưng trong một số trường hợp, lỗi dịch thừa/thiếu có thể là lỗi chủ quan khi người dịch chủ ý thêm thắt để làm rõ nghĩa hoặc lược bớt từ để cho câu văn gãy gọn, tránh rườm rà nhưng vô tình lại thành truyền đạt sai/thừa/thiếu ý nghĩa bản gốc.
Tip:
Đối với lỗi dịch thừa/thiếu khách quan, cách phòng tránh là (1) LUÔN đọc soát lại bản dịch hoặc có một người khác kiểm tra bản dịch và (2) sử dụng tính năng QA tích hợp trong các công cụ dịch thuật như Memsource QA hoặc công cụ QA như xbench để phát hiện, sửa lỗi.
Đối với lỗi dịch thừa/thiếu chủ quan, cách phòng tránh là luôn THÊM COMMENT cho các nội dung chủ ý thêm thắt hoặc lược bớt để xin ý kiến khách hàng, để đảm bảo rằng cách xử lý dịch đó là đúng ý bản gốc, hữu ích cho người đọc.
2. Lỗi phóng đại
Loại lỗi: Chủ quan
Lỗi phóng đại là lỗi dịch chủ quan bằng cách dùng ngôn từ mô tả thái quá hoặc dùng tính từ, trạng từ với cấp độ lớn, mạnh hơn để nhấn mạnh ý của bản gốc. Lấy câu chuyện của gã khổng lồ trong ngành thức ăn nhanh KFC làm ví dụ. Khi KFC ra mắt ở thị trường Trung Quốc, slogan “Finger Lickin’ Good” của hãng ban đầu được dịch sang tiếng Trung thành cụm tương đương với “Eat Your Fingers Off – Ăn Cả Ngón Tay Của Bạn”. Phải chăng ý mà người dịch slogan này muốn truyền tải là đồ ăn KFC quá ngon đến mức khiến người ta mải ăn đến mức ăn cả ngón tay mình mà không hay biết? Nhưng dù ẩn ý là gì thì ở một góc độ nào đó, đây vẫn là câu dịch phóng đại có phần hơi lố, và có chút đáng sợ.
Tip: Không nói quá, hay thêm các từ ngữ nhấn mạnh, nghiêm trọng hóa, nâng tầm hóa mang tính chủ quan.
3. Lỗi dịch word-by-word
Loại lỗi: Chủ quan
Lỗi dịch word-by-word là việc dịch theo nghĩa đen các từ và cụm từ trong tài liệu nguồn sang ngôn ngữ đích mà thiếu cân nhắc đến ngữ cảnh, yếu tố thành ngữ và đối tượng người đọc mục tiêu. Tiếp tục với ví dụ trên, nếu slogan “Finger Lickin’ Good” được dịch word-by-word sang tiếng Trung để mang nghĩa tương tự như “Vị ngon trên từng ngón tay” thì slogan này liệu có tạo được thiện cảm với người tiêu dùng? Câu trả lời có thể sẽ là không, vì người Trung Quốc không coi việc liếm ngón tay là cử chỉ thể hiện rằng đồ ăn rất ngon miệng.
Tip: Luôn cân nhắc ngữ cảnh, tra cứu kỹ các yếu tố có thể là thành ngữ trong tài liệu nguồn và không quên tìm hiểu về văn hóa của đối tượng người đọc mục tiêu, đặc biệt với tài liệu truyền thông, tiếp thị.
4. Lỗi dịch sai nghĩa
Loại lỗi: Chủ quan
Đây có lẽ là lỗi dịch gây hậu quả nghiêm trọng nhất vì sẽ khiến bản dịch truyền tải một thông điệp hoàn toàn khác. Lỗi này có thể xảy ra do người dịch “hoa mắt” đọc nhầm, hoặc do thiếu kiến thức về một lĩnh vực cụ thể, hoặc đơn giản là do người dịch bị vướng vào cái bẫy của từ đa nghĩa, hoặc bị nhầm lẫn giữa các từ có cách viết “na ná” nhau.
- Ví dụ về từ “na ná”: “biannual” nghĩa là 2 lần một năm, trong khi “biennial” nghĩa là 2 năm một lần.
- Ví dụ về từ đa nghĩa: : “as of” vừa có nghĩa là “kể từ”, vừa có nghĩa là “tính đến”.
- This Decision shall take effect as of the signing date. – Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
- As of last year [2010], women held 51.4 percent of all managerial and professional positions, up from 26 percent in 1980. – Tính đến năm ngoái [2010], phụ nữ nắm giữ 51,4% các vị trí quản lý và chuyên môn. Tip: khi dùng trong ngữ cảnh mang nghĩa thống kê thì “as of” thường được hiểu với nghĩa là “tính đến”.
Tip: Luôn cân nhắc ngữ cảnh, tra cứu lại các từ mà bạn chưa chắc chắn, hoặc khi bạn biết rõ là có một từ có cách viết tương tự nhưng mang nghĩa rất khác, và tốt hơn hết là luôn có người thứ 2 kiểm tra lại toàn bộ bản dịch của bạn.
5. Lỗi không xem tài liệu tham khảo
Loại lỗi: Chủ quan
Tài liệu tham khảo có thể bao gồm bộ nhớ dịch (TM), bản dịch của các tài liệu trong cùng một dự án, hay thông tin sản phẩm và bảng thuật ngữ của khách hàng. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá giúp tiết kiệm công sức, thời gian cho người dịch đồng thời nâng cao tính thống nhất của tài liệu cũng như tính chính xác của thuật ngữ.
Mắc phải lỗi này đồng nghĩa với việc người dịch có thể phải “hì hục” tra cứu cả những thuật ngữ đã có sẵn trong bảng thuật ngữ. Điều này không chỉ gây lãng phí thời gian, công sức, giảm hiệu quả công việc mà còn dẫn đến nguy cơ thất bại cho toàn bộ dự án.
Tip: LUÔN xem xét và tìm cách tối ưu hóa các tài liệu tham khảo.
6. Lỗi chính tả, ngữ pháp, format, dấu câu, mục lục, header, footer, v.v.
Loại lỗi: Khách quan
Đây hiển nhiên là các lỗi khách quan vì một người đọc thông thường không có trình độ chuyên môn gì cũng có thể nhận ra. Các lỗi này tuy không ảnh hưởng nhiều đến nội dung của tài liệu nhưng sẽ khiến tài liệu trở nên thiếu chuyên nghiệp và cẩu thả. Điều này sẽ để lại những ấn tượng không tốt đẹp trong lòng người đọc.
Tip: LUÔN: (1) Đọc soát độc lập từng câu dịch trước khi “confirm” trên các công cụ dịch để kiểm soát chính tả, (2) Sử dụng công cụ QA để kiểm soát tự động chính tả, ngữ pháp, dấu câu, (3) Rà roát tổng thể để phát hiện và sửa lỗi về định dạng (đậm, nhạt, in nghiêng, ngắt dòng, hyperlink, căn lề, numbering, bullet, v.v.)
7. Lỗi viết hoa
Loại lỗi: Khách quan
Lỗi viết hoa là việc viết hoa không đúng yêu cầu của khách hàng hoặc không thống nhất cách viết hoa trong bản dịch.
Mỗi ngôn ngữ, mỗi loại tài liệu và mỗi khách hàng có thể có những sở thích hoặc quy định riêng về cách viết hoa. Ví dụ, với tiếng Việt, trong khi các văn bản quy phạm pháp luật hoặc tài liệu trình cơ quan quản lý có xu hướng chỉ viết hoa chữ cái đầu của cụm từ (vd: Chủ thể dữ liệu), và viết hoa chữ chính đối với tên cơ quan (vd: Bộ Tài nguyên Môi trường), thì các tài liệu giao kết hợp đồng lại thường viết hoa tất cả các chữ cái đầu trong cụm để đảm bảo tính rõ ràng (vd: Hợp Đồng Tín Dụng, Dữ Liệu Mật Của Nhà Cung Cấp, Sở Hữu Trí Tuệ Của Khách Hàng).
Tip: Tuân thủ yêu cầu cụ thể của khách hàng. Nếu khách hàng không có yêu cầu đặc biệt, nội bộ team tự đề xuất và thống nhất cách viết hoa trong toàn bộ dự án.
Kết luận
Trên đây là 7 lỗi chủ quan và khách quan trong biên dịch được đúc rút từ nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực biên dịch. Ý thức được các lỗi thường gặp trên và thực hành các tip phòng tránh sẽ giúp bạn cho ra những bản dịch chất lượng về nội dung và hoàn hảo về hình thức.