Tỷ lệ chuyển đổi là một thuật ngữ không lạ lẫm trong tiếp thị nội dung số. Nó giúp cho các nhà hoạch định chiến lược tiếp thị số đo lường chính xác được hiệu quả về mục đích của một trang web. Vậy tỷ lệ chuyển đổi là gì? Và tại sao nó quan trọng đến vậy? Bài viết này tôi sẽ tập trung giải quyết hai câu hỏi đó để giúp các bạn có thể tìm kiếm được những chiến lược cho website của mình.
Trước tiên, tỷ lệ chuyển đổi là gì?
Tỷ lệ chuyển đổi (Conversion rate – CR) là tỷ lệ người truy cập website trở thành khách hàng. Tỷ lệ chuyển đổi trên thực tế gồm hai loại:
Tỷ lệ chuyển đổi trực tiếp (Direct Conversion rate – DCR): là tỷ lệ khách hàng mua trực tiếp sản phẩm họ đang quan tâm.
Tỷ lệ chuyển đổi gián tiếp (InDirect Conversion rate – IDCR): là tỷ lệ khách hàng mua sản phẩm khác mà không phải sản phẩm chủ đích khi truy cập website của bạn.
Để hiểu rõ hơn thì tôi lấy một ví dụ thế này, giả sử có 100 khách hàng truy cập website của AM Việt Nam để hỏi dịch vụ dịch thuật chuyên nghiệp. Sau đó có 50 người đề nghị AM Việt Nam cung cấp dịch vụ dịch thuật và 30 người đề nghị AM Việt Nam cung cấp dịch vụ phiên dịch. Vậy DCR là 50/100 hay 50% và IDCR sẽ là 30/100 hay 30%.
Vậy tỷ lệ CR trong trường hợp này tính thế nào? Nó sẽ nằm trong khoảng từ 50% cho đến 80%.
Dù bạn có phát triển website với mục đích gì đi nữa thì bạn vẫn phải quan tâm đến một thông số là “tỷ lệ chuyển đổi”. Như vậy, tỷ lệ chuyển đổi là thước đo thành công của một website.
Tại sao tỷ lệ chuyển đổi lại quan trọng đối với các nhà vận hành website?
Nhà vận hành website thường là chính các doanh nghiệp bán hàng. Một vài trong số họ là nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như Amazon hay Expedia. Để trả lời câu hỏi này thì tôi sẽ đi sâu hơn vào ý nghĩa và lợi ích của tỷ lệ chuyển đổi.
#1. Giúp hoạch định chiến lược bán hàng
Với tỷ lệ chuyển đổi càng cao có nghĩa bạn càng cần phải chuẩn bị một kế hoạch bán hàng lớn hơn trong tương lai. Khách hàng của bạn là tập tích lũy có nghĩa tổng số khách hàng của bạn sẽ có thể tăng nhanh hơn khả năng phục vụ của bạn.
#2. Giúp đưa ra các chiến lược tiếp thị số phù hợp
Nếu tỷ lệ chuyển đổi thấp hơn kỳ vọng, có nghĩa chiến lược hiện tại của bạn đang có vấn đề. Bạn sẽ phải tìm hiểu nguyên nhân và cần có thay đổi kịp thời trước khi bị đối thủ vượt mặt.
#3. Chiến lược hàng hóa và tiếp thị phối hợp
Nếu quan tâm đến tỷ lệ IDCR bạn sẽ thấy được nên chú trọng thêm vào mặt hàng nào. Sự liên quan giữa các mặt hàng của bạn cũng được thể hiện rõ và từ đó bạn có thể xây dựng chương trình bán hàng phù hợp, khuyến khích được người mua mua nhiều sản phẩm cùng lúc.
#4. Giúp đưa ra các chương trình kích cầu như khuyến mại hiệu quả hơn
Phân tích sự tương quan của DCR và IDCR để thấy được nguy cơ tồn kho và cơ hội tăng doanh số bán sản phẩm tốt hơn. Khi một sản phẩm được nhiều người mua kèm có nghĩa nó cho tỷ lệ tồn kho thấp hơn. Các chương trình khuyến mại cũng có thể phát huy hiệu quả do bạn biết được mối quan tâm của một khách hàng đến các sản phẩm của mình.