Thiết kế đa ngôn ngữ: 05 nguyên tắc quan trọng

Thiết kế đa ngôn ngữ có thể là một thử thách không hề dễ dàng với các lập trình viên. Trong bài viết này, AM Việt Nam sẽ chia sẻ cho bạn 5 nguyên tắc cơ bản để xác định được định hướng tốt nhất trong thiết kế giao diện người dùng đa ngôn ngữ.
blank

Thiết kế đa ngôn ngữ cho ứng dụng/website

Thiết kế UX (User Experience – Trải nghiệm Người dùng) là công việc đòi hỏi rất nhiều thứ cần phải làm, đặc biệt là UX cho thiết kế đa ngôn ngữ. Trong công cuộc thiết kế ra một ứng dụng để chinh phục đa quốc gia, làm thế nào để giao diện có thể chuyển đổi mượt mà cho người dùng ở những ngôn ngữ khác nhau? 

Làm thế nào để đảm bảo cả nội dung và hình thức phù hợp về mặt văn hóa? 

Làm thế nào để đảm bảo truyền tải đầy đủ thông điệp gốc mà vẫn giữ cho giao diện trực quan và dễ dùng, hay đơn giản là không phát sinh lỗi hiển thị cơ bản? 

05 nguyên tắc thiết kế đa ngôn ngữ cốt lõi dưới đây sẽ giúp ứng dụng của bạn thành công trên toàn cầu.

Bản địa hóa: Những điều bạn cần biết về bản địa hóa phần mềm

#1. Để người dùng lựa chọn ngôn ngữ

Hiện nay, nhiều trang web/ứng dụng tự động xác định ngôn ngữ người dùng dựa trên địa chỉ IP hoặc cài đặt hệ thống theo quốc gia của người truy cập khi thiết kế đa ngôn ngữ. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là một lựa chọn tối ưu. 

Một nhược điểm dễ thấy là tại những quốc gia sử dụng chính thức nhiều ngôn ngữ, việc lựa chọn sẵn một ngôn ngữ mặc định là một sự bất cập. Chẳng hạn như tại Ấn Độ, quốc gia này có tới 22 ngôn ngữ chính thức. Việc chọn sẵn một ngôn ngữ hiển thị có thể gây bối rối ban đầu cho những người sử dụng ngôn ngữ khác. 

Do đó, bạn nên đặt một “cổng” vào trang chính của ứng dụng hoặc trang web để cho phép người dùng lựa chọn ngôn ngữ. Cụ thể là, khi người dùng đăng nhập hoặc mở ứng dụng lần đầu tiên, họ sẽ có thể lựa chọn nội dung được hiển thị bằng ngôn ngữ nào. Tất nhiên sau đó, người dùng cũng có thể tự do thay đổi ngôn ngữ bất cứ lúc nào. 

Ngoài ra, để thể hiện ngôn ngữ trong thiết kế đa ngôn ngữ, hãy sử dụng tên địa phương thay vì quốc kỳ. Ví dụ: nếu trang web của bạn dành cho người nói tiếng Việt ở Hoa Kỳ, bạn có thể hiển thị tùy chọn ngôn ngữ là Tiếng Việt (Vietnamese) thay vì để quốc kỳ Việt Nam.

#2. Quốc tế hóa sản phẩm của bạn

Quốc tế hóa” (internationalization) là một thuật ngữ đề cập đến quá trình chuẩn bị cho sản phẩm để sẵn sàng thâm nhập các thị trường nội địa. Khi thiết kế đa ngôn ngữ cho ứng dụng/website, điều này có nghĩa là chuẩn bị hệ thống mã hóa phù hợp cho sản phẩm/nội dung trên web. 

Với những ngôn ngữ châu Âu đơn byte (single-byte) như tiếng Anh hay Tây Ban Nha, việc hiển thị sẽ không có nhiều vấn đề. Tuy nhiên, với những ngôn ngữ châu Á đa byte (double-byte) như tiếng Trung, tiếng Hàn, hay tiếng Ả Rập, bạn sẽ cần đảm bảo cấu trúc mã hóa phù hợp để không xuất hiện lỗi hiển thị khi thiết kế đa ngôn ngữ (ví dụ như mã hóa bằng chuẩn UTF-8).

Con đường ngắn nhất để chinh phục thị trường nước ngoài mục tiêu là bản địa hóa.

#3. Tìm hiểu quy ước ngôn ngữ của thị trường mục tiêu

Mỗi ngôn ngữ có những quy ước riêng về cách sử dụng những biểu tượng, ký hiệu, hay đơn giản là cách ghi số và ngày tháng. Để đảm bảo sản phẩm không bị “lệch pha” ngay từ vòng gửi xe, bạn cần giải đáp được những vấn đề như biểu tượng bạn sử dụng có phù hợp về mặt văn hóa không? Có điều cấm kỵ nào về văn hóa mà bạn muốn tránh không? Trả lời những câu hỏi này khi thiết kế đa ngôn ngữ sẽ giúp nâng cao niềm tin vào sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.

Ví dụ, bạn đang quen thuộc với định dạng ngày/tháng/năm (dd-mm-yyyy), tuy nhiên, điều đó không có nghĩa đây là định dạng ngày duy nhất. Tại nhiều quốc gia khác, định dạng ngày tháng phổ biến lại là mm-dd-yyyy, hoặc thậm chí là yy-mm-dd. Vì vậy, nếu chỉ ghi là 01/11/20, bạn có thể khiến người dùng nhầm lẫn, liệu đó là ngày 01 tháng 11, hay ngày 11 tháng 01?

Một ví dụ khác, tại một số quốc gia sẽ có những ưu tiên về việc sử dụng lịch quốc gia. Chẳng hạn, người dùng tại Đài Loan sẽ muốn thấy năm được ghi theo Đài lịch (năm 2024 Dương lịch là năm 113 của Đài lịch), hay với người Nhật thì đó là năm theo niên hiệu (năm 2024 là năm Lệnh Hòa (Reiwa) 6), hay ở Thái Lan thì đó là năm theo Phật lịch (năm 2024 là năm 2568 trong Phật lịch).

Tương tự như định dạng ngày tháng, khi thiết kế đa ngôn ngữ, bạn cũng cần lưu ý tới định dạng ghi số, tức cách ghi dấu thập phân. Tại các nước như Mỹ, Đức, Anh, dấu ngăn cách hàng nghìn là dấu “,”, còn dấu ngăn cách hàng thập phân là dấu “.”. Ngược lại, tại những nước như Pháp, Tây Ban Nha, Việt Nam, dấu ngăn cách hàng nghìn lại là dấu “.” còn ngăn cách hàng thập phân là dấu “,”. Việc nhầm lẫn hoặc không nhất quán trong cách ghi số này có thể dẫn đến những sai lầm tai hại trong cách đọc hiểu số. Ví dụ, số 1,300 (một nghìn ba trăm) lại có thể bị hiểu thành một phẩy ba!

#4. Tránh sử dụng nội dung văn bản không cho phép chỉnh sửa

Bạn có thể thiết kế ra được những tờ brochure sản phẩm đẹp mắt và ưng ý. Tuy nhiên, khi cần chuyển ngữ sang một ngôn ngữ khác, bạn mới phát hiện ra vấn đề rằng toàn bộ nội dung trên brochure đó đã được xuất thành dạng ảnh và rất khó chỉnh sửa. Đây là điều nên tránh khi thiết kế đa ngôn ngữ trong một dự án toàn cầu hóa.

Nội dung không cho phép chỉnh sửa, hay nói đơn giản là nội dung dảng ảnh, sẽ gây khó khăn đáng kể cho đội ngũ dịch thuật và bản địa hóa. Với những công ty dịch thuật chuyên nghiệp cho đội ngũ chuyên viên DTP (DTP specialist), tài liệu dạng ảnh sẽ không phải là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, bạn sẽ phải trả thêm chi phí và tiêu tốn thêm thời gian cho công sức xử lý văn bản dạng ảnh. 

Thay vào đó, hãy chuẩn bị mọi nội dung sẵn sàng ở dạng văn bản có thể chỉnh sửa khi thiết kế đa ngôn ngữ. Điều này cho phép bạn quản lý nội dung một cách dễ dàng, tạo điều kiện cho khâu dịch thuật, cũng như tiết kiệm được công sức, chi phí và thời gian.

Nguyên tắc thiết kế giao diện người dùng cho ứng dụng đa ngôn ngữ
Tránh sử dụng nội dung văn bản không cho phép chỉnh sửa khi thiết kế đa ngôn ngữ

#5. Dự trù về độ dài văn bản

Một bản dịch hiếm khi có được độ dài tương tự như bản gốc, đặc biệt là khi bản gốc được dịch sang nhiều ngôn ngữ. Mỗi ngôn ngữ khi dịch ra sẽ có độ dài ngắn khác nhau, vì vậy, bạn cần dự trù về không gian cần thiết cho bản dịch.

Ví dụ, nếu bạn dịch từ tiếng Anh sang các ngôn ngữ như tiếng Nga hoặc tiếng Ukraina, có khả năng độ dài của bản dịch sẽ tăng ít nhất 30%. Ngược lại, nếu ngôn ngữ mục tiêu là tiếng Trung hoặc tiếng Nhật, độ dài có thể giảm từ 10% đến 15%. Việc tăng/giảm độ dài văn bản này, nếu không được tính đến khi thiết kế đa ngôn ngữ, sẽ dễ dàng gây ra những vấn đề về thẩm mỹ mà có thể sẽ cần rất nhiều công sức để kiểm tra và chỉnh sửa lại.

Cuối cùng, đừng quên sử dụng dịch vụ dịch thuật chất lượng

Trong một chiến dịch thúc đẩy sản phẩm ra toàn cầu, bạn sẽ phải trả giá đắt, thậm chí là rất đắt cho những bản dịch chất lượng kém. Đơn cử, vào năm 2009, Ngân hàng HSBC đã phải trả 10 triệu USD chi phí cho một bản dịch kém. Đây là cái giá cho chiến dịch tái cấu trúc thương hiệu nhằm sửa lỗi dịch sai câu khẩu hiệu “Assume Nothing” (Không ngộ nhận) thành “Do Nothing” (Không làm gì) tại nhiều quốc gia. 

Tuy không phải lỗi dịch thuật nào cũng gây tổn thất lớn nhưng đây là ví dụ chứng minh tầm quan trọng của việc đảm bảo và cải thiện chất lượng bản dịch. Khi lưu ý được những vấn đề đã nêu trên trong quá trình thiết kế đa ngôn ngữ, kết hợp với dịch vụ bản địa hóa chất lượng, bạn sẽ tạo được vị thế tốt hơn để sẵn sàng tham gia thị trường mục tiêu. 

Chia sẻ bài viết này:

Picture of Justin Nguyen

Justin Nguyen

Điều phối Dự án

Bình luận của bạn

Thiết kế đa ngôn ngữ: 05 nguyên tắc quan trọng