Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới—chỉ sau Mỹ và Trung Quốc—là miền đất hứa cho các doanh nghiệp muốn mở rộng ra toàn cầu. Đồng thời, đây là một thị trường độc đáo với nền văn hóa đặc sắc: Người tiêu dùng Nhật Bản không dễ bị chinh phục.
Đó là lý do tại sao việc thâm nhập thị trường Nhật Bản đòi hỏi nỗ lực nội địa hóa triệt để. Nếu không thể điều chỉnh sản phẩm của mình phù hợp với các yêu cầu của khách hàng bản địa, doanh nghiệp sẽ ngay lập tức mất chỗ đứng trong lòng khách hàng—người Nhật có thể nhanh chóng mua được thứ họ cần từ một thương hiệu bản địa mà họ tin tưởng.
Người Nhật cũng nổi tiếng là có đạo đức làm việc cao nên họ sẽ kỳ vọng điều tương tự từ doanh nghiệp của bạn—hãy đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị sẵn sàng. Trước khi bắt đầu, cùng tìm hiểu yếu tố bất lợi trong quá trình bản địa hóa tại Nhật Bản và cách khắc phục tối đa bằng kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia bản địa.
Thị trường Nhật Bản: Cơ hội kinh doanh hiếm có nhưng đầy thách thức
Với dân số hơn 125 triệu người và thu nhập bình quân đầu người 40.247 USD, triển vọng tiếp cận thị trường tiêu dùng Nhật Bản giàu có là hiển hiện.
Cùng xem xét một số thông tin cần biết về Nhật Bản:
- Nhật Bản là thị trường chứng khoán lớn nhất châu Á—với đồng yên (¥) là đồng tiền duy nhất.
- Đất nước này tự hào có thị trường máy tính và viễn thông lớn thứ hai thế giới.
- Danh sách dài các lĩnh vực chủ chốt của quốc gia này bao gồm từ trò chơi, công nghệ sinh học và y tế cho đến bán lẻ, điện tử, v.v.
- Với công nghệ tiên tiến, chú trọng đổi mới và bắt kịp xu hướng số hóa, Nhật Bản là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với nhiều công ty đang trên đà tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, văn hóa Nhật Bản dường như thường là rào cản khiến các doanh nghiệp khó có được chỗ đứng về lâu dài.
Chuẩn bị là chìa khóa thành công
Giống như bao kế hoạch mở rộng kinh doanh khác, quá trình bắt đầu bằng việc nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường và xác định các đối tác địa phương. Tuy nhiên, bạn có thể phải dành nhiều nỗ lực hơn một chút so với các quốc gia khác vì trình độ tiếng Anh của người Nhật khá thấp — nước này xếp thứ 78 trên 112 quốc gia về chỉ số trình độ tiếng Anh EF năm 2021 — vì vậy bản địa hóa là yếu tố tiên quyết. Đồng thời, người Nhật có xu hướng ngại rủi ro và mất thời gian nên thường đưa ra quyết định “an toàn nhất” có thể, vì vậy kinh doanh tại Nhật Bản có thể đòi hỏi nhiều thời gian và cần kiên trì hơn.
Dưới đây là một số đề xuất giúp bạn khởi đầu tốt khi thâm nhập thị trường Nhật Bản.
#1. Tìm hiểu mạng lưới địa phương
Đảm bảo đầu tư nhiều thời gian để hiểu và thâm nhập vào mạng lưới kinh doanh địa phương. Chuẩn bị hồ sơ kịp thời để giải quyết vấn đề thủ tục cấp phép rườm rà. Lựa chọn kỹ càng đối tác bản địa và thuê phiên dịch viên cho tất cả các cuộc họp cá nhân hoặc trực tuyến. Sự chăm chỉ và kiên trì của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng vì người Nhật thích hợp tác lâu dài và là đối tác kinh doanh thân thiết.
Chuẩn bị ít nhất một trang giới thiệu về doanh nghiệp bằng tiếng Nhật và chuẩn bị danh thiếp song ngữ cũng như tài liệu chi tiết về công ty—tài liệu tiếng Anh gần như không thể sử dụng cho thị trường Nhật Bản.
Cần cân nhắc đầu tư ngay từ đầu vào một đơn vị cung cấp dịch vụ ngôn ngữ chất lượng cao và công nghệ bản địa hóa để hỗ trợ bản địa hóa, đặc biệt khi văn hóa Nhật Bản rất coi trọng chất lượng—nếu không có con người và công nghệ phù hợp, rất khó đạt chất lượng nhất quán về lâu dài.
#2. Tìm hiểu khách hàng Nhật Bản
Đưa trực tiếp sản phẩm vào thị trường Nhật Bản có thể không mang lại kết quả nếu doanh nghiệp không điều chỉnh sản phẩm hiệu quả theo nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng—một vấn đề quá quen thuộc với Nakano Miyuki, Giám đốc Bộ phận Quản lý Chất lượng tại Trung tâm Honyaku, một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ ngôn ngữ lớn nhất tại Nhật Bản:
“Điều chúng tôi đúc kết được sau nhiều năm làm việc với các công ty muốn thâm nhập thị trường Nhật Bản là họ thường thiếu hiểu biết về thực tiễn kinh doanh, mô hình văn hóa và đặc điểm ngôn ngữ của người Nhật. Thiếu sót này thường khiến các công ty nghĩ bản địa hóa đơn thuần là thay thế các từ ở ngôn ngữ này bằng các từ ở ngôn ngữ khác. Để giúp các công ty vượt qua những thách thức đó, chúng tôi luôn cố gắng đưa ra những giải pháp vượt xa thao tác dịch thuật đơn thuần. Với tư cách là đối tác bản địa, chúng tôi lắng nghe kỹ càng nhu cầu của khách hàng và giải thích bối cảnh địa phương chi tiết nhất có thể để tạo điều kiện cho họ hiểu và sau cùng là thành công tại thị trường Nhật Bản,” Ông Nakano giải thích.
Vodafone là một ví dụ điển hình khi vấp phải những khó khăn vì lựa chọn cách tiếp cận rập khuôn khi chinh phục thị trường này. Điện thoại của hãng được người tiêu dùng châu Âu đón nhận, nhưng lại không gây được ấn tượng với những khách hàng Nhật Bản am hiểu công nghệ. Kết quả là gã khổng lồ viễn thông đã phải sửa lại phiên bản Nhật Bản để cứu vãn một sai lầm đắt giá.
Mặt khác, Dyson ngay từ đầu đã hoàn thành những gì cần làm. Sau quá trình nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, công ty thiết bị gia dụng của Anh đã thiết kế một phiên bản máy hút bụi đặc biệt cho thị trường Nhật Bản vì họ nhận ra rằng các thiết bị nhỏ hơn sẽ phù hợp hơn với những ngôi nhà khiêm tốn tại đây. Thương hiệu này ra mắt thành công, cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu nội địa.
Con đường ngắn nhất để chinh phục thị trường nước ngoài mục tiêu là bản địa hóa.
AM Localize AM
#3. Cung cấp nhiều thông tin và dịch vụ khách hàng hoàn hảo
Đây là thành tích rất đáng ghi nhận đối với Dyson vì khách hàng Nhật Bản rất trung thành với các thương hiệu nội địa họ biết và tin tưởng. Giống như các doanh nhân Nhật Bản, người tiêu dùng nước này có xu hướng né tránh rủi ro và dành thời gian thu thập thông tin trước khi quyết định.
Cần xác định đây là thói quen tốt, Nhật Bản không cho phép trả lại, thay thế hoặc hoàn tiền, ngoại trừ các sản phẩm lỗi—vì vậy người tiêu dùng cần chắc chắn về quyết định mua hàng của mình vì họ có thể không có cơ hội thứ hai để sửa sai.
Để thu hút những khách hàng sành điệu, bạn cần cung cấp cho họ thật nhiều thông tin. Trang sản phẩm trên trang web của bạn phải chứa càng nhiều thông số kỹ thuật, chi tiết và hình ảnh càng tốt. Một ví dụ điển hình là trang thương mại điện tử Rakuten, cạnh tranh gát gao với Amazon tại Nhật Bản. Amazon tự hào thu hút 556 triệu lượt truy cập hàng tháng trong khi Rakuten có 544 triệu.
Nội dung dày đặc trên trang sản phẩm của Rakuten có thể khiến người phương Tây bối rối, nhưng lượng nội dung và hình ảnh đó cung cấp lượng thông tin mà người tiêu dùng Nhật Bản đang tìm kiếm. Đảm bảo nội dung trên trang chứng minh chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn: Nếu bạn đáp ứng được hoặc thậm chí vượt quá mong đợi của họ, khách hàng Nhật có thể cân nhắc trả giá cao.
Tương tự như vậy, dịch vụ khách hàng chất lượng cao là tiêu chuẩn ở Nhật Bản. American Express International đã thực hiện một cuộc khảo sát về kỳ vọng về dịch vụ khách hàng địa phương tại 9 quốc gia cách đây vài năm: Các nhà nghiên cứu hỏi những người tham gia sẽ chấp nhận sử dụng dịch vụ khách hàng kém từ một công ty bao nhiêu lần trước khi thay đổi nhà cung cấp. Nhật Bản dẫn đầu với 56% số người được hỏi tuyên bố rằng chỉ cần một trải nghiệm tồi tệ là đủ.
Với những khách hàng dường như không sẵn sàng tha thứ này, thị trường Nhật Bản cần phải đảm bảo rằng mọi khách hàng đang tìm kiếm sự hỗ trợ đều nhận được câu trả lời kịp thời bằng tiếng Nhật và trên hết là với sự tôn trọng và khiêm nhường—những giá trị đã ăn sâu vào văn hóa Nhật Bản.
#4. Điều chỉnh thương hiệu và chiến lược tiếp thị để thành công tại Nhật Bản
Tư duy tập thể thống trị tại Nhật Bản. Điều quan trọng là người Nhật phải hòa nhập và được những người xung quanh chấp nhận—vì vậy, nếu khác biệt hoặc nổi bật so với đám đông là giá trị cốt lõi cho thương hiệu của bạn, bạn có thể cân nhắc xem xét lại chiến lược ra mắt thị trường Nhật Bản—chiến lược thành công tại Hoa Kỳ hoặc Châu Âu có thể không thất bại tại Nhật Bản.
Nếu không thể lấy lời hứa về tính chuyên biệt cho hoạt động tiếp thị của mình, bạn cần tìm cách tiếp cận khác. Chiến lược bản địa hóa tiếp thị thành công tại Nhật Bản có thể tập trung vào việc tạo kết nối mạnh mẽ với khán giả Nhật Bản ngay từ đầu, chú trọng vào chất lượng và độ tin cậy của thương hiệu và sản phẩm.
Việc thuyết phục khách hàng Nhật Bản rằng họ có thể tin cậy vào bạn sẽ mang lại thành quả xứng đáng. Những giá trị này cần phải hiện diện và thể hiện rõ ràng ở các điểm chạm—từ mạng xã hội, email và trang web đến dịch vụ khách hàng. Xây dựng niềm tin thông qua tính nhất quán chính là điểm mấu chốt.
Nói cách khác, bộ giá trị này cần phải là một phần DNA của thương hiệu. Để thương hiệu có sự nhất quán, đảm bảo tất cả các bên liên quan đều có hiểu biết chung về thương hiệu, từ quản lý cấp cao đến nhà thiết kế, người sáng tạo nội dung và biên dịch viên.
Cần định ra các nguyên tắc cho thương hiệu và truyền đạt cho những người tham gia vì những nguyên tắc này sẽ giúp quá trình bản địa hóa diễn ra suôn sẻ hơn. Hơn hết, bí quyết này không chỉ áp dụng cho thị trường Nhật Bản: Đây là chìa khóa giúp bản địa hóa thành công ở mọi thị trường.
Nếu bạn mong muốn khách hàng có thể tìm thấy trang web của mình, cần đảm bảo điều chỉnh chiến lược SEO của công ty. Hoạt động tối ưu hóa công cụ tìm kiếm được xây dựng dựa trên thói quen trực tuyến của người tiêu dùng. Nếu nhắm đến người tiêu dùng Nhật Bản, bạn cần hiểu thói quen sử dụng mạng của họ.
Ví dụ: những từ khóa hoạt động tại Đức có thể không liên quan đến khách hàng Nhật Bản. Hợp tác với các chuyên gia SEO bản địa có thể tác động lớn đến thành công của công ty trong hoạt động triển khai SEO dựa trên quan điểm của người Nhật.
#5. Đảm bảo bản dịch diễn tả đúng sắc thái
Không phải tự nhiên mà bộ phim “Lost in Translation” của Sofia Coppola lấy bối cảnh tại Tokyo vì nhiều khi bản dịch sang tiếng Nhật có thể không đúng theo bản gốc. Tiếng Nhật là ngôn ngữ phong phú và phức tạp trên nhiều phương diện.
Ví dụ, tiếng Nhật có ba bộ ký tự có thể cùng tồn tại trong một câu:
- Hiragana – kí âm
- Katakana – kí âm
- Kanji – tượng hình
Mỗi bảng chữ cái Hiragana hoặc Katakana bao gồm 46 ký tự. Mặt khác, có khoảng 2.136 chữ Kanji mô tả các khái niệm. Thay vì dựa vào các từ và cụm từ để biểu thị ý nghĩa, Kanji sử dụng các nét khác nhau để biểu thị ý nghĩa theo các cách kết hợp trong bộ thủ khác nhau. Thêm vào đó, chữ kanji có cách sử dụng khác nhau tùy từng từ hoặc cụm từ, do đó, cùng một ký tự kanji có thể xuất hiện ở những vị trí khác nhau.
Đại từ thể hiện hai đặc điểm quan trọng của tiếng Nhật: Tầm quan trọng của bối cảnh và độ trang trọng. Ví dụ: có một số cách nói “bạn” tùy thuộc vào tình huống và người bạn đang nói chuyện (và mối quan hệ của hai người). Một số cách có thể kể đến là:
- Kiden 貴殿 (rất trang trọng)
- Anata あなた (trang trọng)
- Kimi 君 (thông thường hoặc không trang trọng)
- Omae お前 (rất không trang trọng)
Bạn có thể tưởng tượng việc dịch sang tiếng Nhật một thông điệp tiếp thị tưởng chừng như đơn giản được xây dựng xung quanh từ ‘bạn’ bằng tiếng Anh sẽ khó khăn đến mức nào! Và nếu không lựa chọn đúng bản dịch, bạn sẽ đánh mất một khách hàng tiềm năng: Khách hàng Nhật Bản ít khi tha thứ cho lỗi dịch thuật. Thay vào đó, họ có thể đánh giá thấp thương hiệu của bạn vì luôn kì vọng sự hoàn hảo tuyệt đối.
#6. Thiết lập quy trình dịch thuật hiệu quả
Vì ngữ cảnh là một yếu tố quan trọng nên các dịch thuật viên trong nhóm bản địa hóa phải được cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về mục đích sử dụng bản dịch. Ngay cả khi yêu cầu dịch thuật viên dịch các chuỗi văn bản nhỏ, bạn vẫn cần cho họ biết đó là thành phần giao diện người dùng hay dòng chủ đề của email. Ví dụ: đính kèm chuỗi vào ảnh chụp màn hình có thể giúp tránh các bản dịch tương đối lạc ra khỏi mục đích ban đầu.
Để theo đuổi chất lượng, cần thiết lập một quy trình đảm bảo chất lượng chặt chẽ. Áp dụng quy trình dịch thuật bao gồm biên tập và hiệu đính sau khi dịch. Để dự phòng phát sinh rà soát, lập dư kế hoạch thời gian và ngân sách cho bản dịch tiếng Nhật.
Cuối cùng, cân nhắc việc sử dụng dịch vụ dịch thuật sáng tạo cho nội dung tiếp thị. Dịch thuật sáng tạo là bước tiến xa hơn sơ với dịch thuật thông thường khi bản địa hóa nội dung vì các dịch thuật viên và người sáng tạo nội dung có thể sẽ viết lại hoàn toàn các phần của văn bản nguồn. Nỗ lực này có thể được đền đáp bằng sự ủng hộ những người tiêu dùng Nhật thông thái. Lí tưởng nhất là thuê một dịch giả đồng thời là người sáng tạo nội dung.
#7. Bản địa hóa hoàn toàn thiết kế cho thị trường Nhật Bản
Màu sắc, biểu tượng và biểu trưng có thể mang ý nghĩa khác nhau tùy theo nền văn hóa, đặc biệt là tại Nhật Bản. Ví dụ: các màu có ý nghĩa tích cực là đỏ (may mắn), vàng (can đảm) và xanh lam (hòa bình), trong khi màu đen/trắng tượng trưng cho tang tóc và màu tím biểu thị nguy hiểm. Điều này có thể có tác động lớn đến sản phẩm, bao bì hoặc thiết kế web của bạn.
Nhật Bản có thể nổi tiếng với triết lý thiền tối giản, nhưng những triết lí đó không áp dụng cho các trang web của nước này. Như chúng ta có thể thấy ở trên, các trang web thường được trình bày với nhiều văn bản, đồ họa nhỏ và rất nhiều màu sắc. Để giúp trang web thuận tiện, hấp dẫn và dễ tiếp cận đối với người dùng Nhật Bản, bạn cần cân nhắc việc điều chỉnh thiết kế.
Điều quan trọng không kém cần biết là tiếng Nhật không sử dụng dấu cách giữa các từ—vì vậy, bạn cần phải hết sức cẩn thận khi điều chỉnh giao diện người dùng của mình vì các thuật toán bao văn bản và ngắt dòng thông thường để hiển thị văn bản sẽ không hoạt động.
#8. Chuẩn bị đủ không gian cho văn bản tiếng Nhật
Tiếng Nhật có nhiều điểm đặc thù đội ngũ thiết kế và phát triển của bạn có thể chưa biết tới. Biên dịch viên sẽ gặp rắc rối nếu phải ép bản dịch vừa vặn trong một thiết kế không được điều chỉnh. Ví dụ:
Văn bản bằng tiếng Nhật thường dài hơn 20-55% so với văn bản tiếng Anh.
Định dạng ngày là năm-tháng-ngày.
Định dạng tên đầy đủ là họ trước tên sau.
Địa chỉ bắt đầu bằng mã bưu điện, tiếp theo là tỉnh, thành phố và quận. Tên người nhận viết cuối cùng.
Nếu chi tiết này không được bản địa hóa đầy đủ thì kết quả sẽ không đáp ứng được tiêu chí chất lượng của thị trường Nhật Bản. Cách tốt nhất để giải quyết thách thức này là mời các biên dịch viên sớm tham gia vào dự án (thay vì chỉ cho họ tham giao vào giai đoạn cuối), để họ có thể sớm nêu ra những vấn đề này. Nhờ vậy, các nhà thiết kế có thể điều chỉnh sản phẩm sáng tạo của mình và tránh thao tác lại ở giai đoạn kết thúc, gây chậm trễ và chi phí bổ sung.
#9. Sẵn sàng cho thị trường Nhật Bản
Nếu có sự chuẩn bị đầy đủ cùng với đối tác bản địa và chuyên gia dịch thuật, hoạt động bản địa hóa cho thị trường Nhật Bản có thể mang lại lợi ích không tưởng cho doanh nghiệp của bạn. Để tránh những cái bẫy thông thường trong quá trình bản địa hóa, tăng tốc thời gian tiếp thị và tối đa hóa kết quả, mấu chốt là cần kết hợp nỗ lực bản địa hóa của bạn với trợ giúp của một đối tác công nghệ đáng tin cậy. Cụ thể hơn, bạn cần một giải pháp công nghệ bản địa hóa hiện đại giúp:
- Tập trung quy trình bản địa hóa của bạn để tăng năng suất, chất lượng và doanh thu.
- Thúc đẩy cộng tác theo thời gian thực trên một nền tảng duy nhất để đảm bảo quy trình dịch thuật và bản địa hóa liền mạch, chính xác và đúng thời gian cho cả các bên liên quan nội bộ và bên ngoài.
- Cho phép bạn gửi nội dung để dịch ở các định dạng tệp quen thuộc đã sử dụng ngay từ đầu.
- Cung cấp các công cụ tích hợp đột phá để kết hợp bản địa hóa và các công cụ quen thuộc, có thể là hệ thống quản lý nội dung hoặc nền tảng thiết kế.
- Kết hợp công nghệ dịch thuật lâu đời với khả năng dịch máy được AI hỗ trợ.
- Cung cấp cách tiếp cận toàn diện để bảo mật và mã hóa dữ liệu thông qua hệ thống quản lý bảo mật thông tin.