Phiên dịch là một loại hình dịch thuật đặc biệt yêu cầu ngôn ngữ được chuyển thể một cách trực tiếp (live translation) thay vì có thời gian tìm kiếm, tra cứu và lựa chọn từ. Những người thực hiện nhiệm vụ phiên dịch được gọi là Phiên dịch viên (Interpreter). Từ phiên dịch cũng được hiểu là dịch theo phiên, có nghĩa là khi một người vừa nói xong thì phiên dịch viên sẽ tiến hành dịch lại bằng lời sang tiếng mục tiêu.
Có những hình thức phiên dịch nào?
#1. Phiên dịch Nối tiếp (dịch đuổi, dich tuần tự)
Phiên dịch nối tiếp (consecutive interpreting – CI) là loại hình phiên dịch phổ biến hiện nay. Ở hình thức này, các phiên dịch viên sẽ bắt đầu phiên dich khi người nói tạm dừng.
Quá trình phiên dịch sẽ có thể được phân đoạn ngắn hoặc dài phụ thuộc vào sở trường của người phiên dịch và/hoặc tính chất của cuộc phiên dịch. Đối với phiên dịch phân đoạn ngắn, các phiên dịch viên thường dựa vào trí nhớ để thực hiện công việc của mình. Vì vậy nó sẽ thực hiện tuần tự một cách khá liền mạch và phù hợp cho các cuộc nói chuyện hoặc tương tác. Trong phiên dịch phân đoạn dài thì sẽ dựa vào việc ghi chép (ghi chú, tốc ký). Các ghi chú về cơ bản có chuẩn mực riêng nhưng nhìn chung vẫn có nét đặc trực và quen dùng đối với từng phiên dịch viên. Họ sẽ cần ghi chú rõ ràng theo cách của họ để khi đọc lại sẽ lưu loát và chính xác.
Một số điểm lưu ý khi thực hiện phiên dịch viên nối tiếp:
- Phân đoạn dài thường sẽ chuẩn xác hơn phân đoạn ngắn do người phiên dịch có thông tin bao quát hơn.
- Việc phân đoạn, tốc độ có thể được thống nhất trước đó giữa người nói và người phiên dịch.
- Có những dấu hiệu cử chỉ, cơ thể để hai bên hiểu nhau hơn, giúp cuộc phiên dịch diễn ra tốt đẹp.
- Phiên dịch viên cũng có thể cân nhắc có bản dịch (tài liệu, slide, …) trực quan trong quá trình dịch
- Theo truyền thống, người phiên dịch sẽ ngồi hoặc đứng cạnh người nói.
- Phiên dịch tuần tự có thể được thực hiện mặt đối mặt, qua điện thoại hoặc online.
- Thời gian có thể bị kéo dài lên đến gấp 2 lần bình thường.
Ứng dụng thực tế của phiên dịch tuần tự
- Phiên dịch cho giảng viên trong khóa đào tạo
- Hoạt động phỏng vấn ứng viên, bệnh nhân qua điện thoại hoặc trực tiếp
- Các hoạt động xét xử tại tòa trọng tài hoặc tòa án tư pháp
- Các cuộc thương thảo hợp đồng hoặc cuộc họp thông thường
#2. Phiên dịch đồng thời (dịch song song/dịch cabin)
Phiên dịch đồng thời (Simultaneous interpretation – SI) là việc người nói và người phiên dịch sẽ thực hiện công việc gần như song hành với nhau. Người nói sẽ không bị ngắt quãng và có thể thực hiện công việc của mình một cách liền mạch.
Trong thực tế, các cuộc phiên dịch đồng thời phải cần ít nhất 2 phiên dịch viên cùng làm việc. Họ sẽ thực hiện công việc của mình trong các cabin nghiệp vụ vì vậy loại hình này còn được gọi là phiên dịch cabin. Người phiên dịch sẽ được gắn tai nghe và tập trung lắng nghe và dịch ngay lập tức qua một micro để truyền đến loa hoặc tai nghe cho từng người dự khán. Các phiên dịch viên sẽ thay đổi liên tục và cùng thực hiện công việc cho đến khi kết thúc.
Dịch cabin là một công việc áp lực, đòi hỏi người phiên dịch phải có kỹ năng thành thục và trình độ ngôn ngữ cũng như hiểu biết xuất sắc. Họ cũng có thể cần tiếp cận và nghiên cứu các tài liệu trước khi tiến hành công việc của mình trước nhiều ngày để tìm hiểu và học những kiến thức cũng như những từ mới, thuật ngữ có trong đó.
Một số điểm lưu ý khi thực hiện phiên dịch đồng thời
- Các phiên dịch viên cần phối hợp ăn ý để cuộc phiên dịch diễn ra liên tục với chất lượng cao nhất
- Có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ trong quá trình phiên dịch như máy hỗ trợ phiên dịch
- Người phiên dịch sẽ ngồi trong các cabin kỹ thuật kín, lắng nghe bằng tai nghe và truyền đạt lại qua micro.
- Người nghe thông thường sẽ gắn tai nghe hoặc nghe từ loa trung tâm.
- Có thể thực hiện phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ cùng lúc với nhiều đội phiên dịch khác nhau.
Ứng dụng thực tế của phiên dịch đồng thời
- Phiên dịch trong các cuộc họp, hội thảo lớn tại phòng họp (ví dụ họp hội đồng liên hợp quốc).
- Phiên dịch trong các cuộc tọa đàm có lượng lớn khán giả
- Phiên dịch trong hội thảo lớn của các doanh nghiệp
- Cuộc hội thảo, cuộc họp chuyên ngành đa ngôn ngữ.
- Trong các phiên tòa lớn.
- Cuộc họp trực tuyến ứng dụng kỹ thuật phiên dịch đồng thời từ xa
#3. Phiên dịch thầm (thủ thỉ)
Phiên dịch thầm (Whispered) là một dạng dịch đồng thời, chỉ khác ở chỗ phiên dịch viên sẽ dịch bằng cách nói thầm vào tai người nghe mà không cần đến sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ như micro hay tai nghe. Hình thức này được ứng dụng tại các cuộc họp lớn, trong phiên tòa hoặc khi chỉ có một vài người cần biết nội dung để theo dõi quá trình tố tụng.
Lựa chọn loại hình phiên dịch viên phù hợp
Khách hàng tìm đến dịch vụ phiên dịch vì nhiều lý do: cuộc họp, hội thảo, chương trình đào tạo, thủ tục tố tụng, v.v. Trong một sự kiện, chừng nào các bên tham gia còn chưa dùng chung ngôn ngữ, sự hiện diện của phiên dịch viên vẫn sẽ là điều cần thiết.
Phiên dịch viên có thể không dịch đầy đủ từng từ từng chữ theo nội dung gốc, nhưng có một yếu tố họ phải đảm bảo trong mọi trường hợp: sự chính xác. Mỗi ngôn ngữ có cách riêng để diễn tả cùng một thông điệp. Một phiên dịch viên xuất sắc cần có khả năng thấu hiểu bối cảnh sự kiện mình đang làm việc, phân tích được mức độ trang trọng và cá tính thể hiện trong lời người nói, để từ đó điều chỉnh ngôn từ và ngữ pháp sao cho phù hợp.
Dù có chung một số đặc điểm, trên thực tế, có rất nhiều hình thức phiên dịch khác nhau, phù hợp với từng tình huống và mục đích cụ thể. Bài viết này sẽ giới thiệu những hình thức phiên dịch chính và điểm khác biệt giữa chúng.