Tài liệu kỹ thuật là tên gọi chung cho nhiều ngành kỹ thuật khác nhau như năng lượng, xây dựng, giao thông, cơ khí chế tạo, kỹ thuật ô tô, kỹ thuật hàng không, …. Đây cũng là những lĩnh vực có nhu cầu dịch thuật lớn nhất là với tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Việc trở thành dịch thuật viên tài liệu kỹ thuật chuyên nghiệp có thể giúp các bạn thu nhập tốt và ổn định nhưng cũng có nhiều đòi hỏi khắt khe mà không dễ dàng đối với tất cả mọi người. Bài viết này sẽ giúp các bạn giải quyết 2 câu hỏi, đó là các yêu cầu và phương pháp.
Dịch tài liệu kỹ thuật có khó không?
Đa số các dịch thuật viên khi mới vào nghề đều cho rằng dịch tài liệu kỹ thuật vượt trên tầm hiểu biết của họ. Điều này còn đúng ngay cả với những dịch thuật viên lâu năm nếu như không chuyên. Để giải thích hết những vấn đề khó khăn chỉ trong một bài viết thì quả thực không dễ. Nhưng đây là một số lý do khiến cho tài liệu kỹ thuật gây khó khăn đối với tất cả chúng ta.
- Thường viết tắt, nhất là tên của thiết bị
- Thuật ngữ chuyên môn thường không có từ tiếng Việt tương ứng
- Văn phong khá khô khan và máy móc
- Khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn, giảm cảm hứng làm việc
- Nội dung rời rạc và ít khi theo mạch suy nghĩ
- Khó hiểu và khó diễn đạt
Thực ra thì một vài trong số khó khăn đó cũng xuất hiện khi dịch tài liệu khác như pháp lý hay y tế, nhưng đối với tài liệu kỹ thuật có thể nó đã tăng độ khó lên một vài bậc.
Yêu cầu đối với dịch thuật viên dịch tài liệu kỹ thuật là gì?
Đây có lẽ là điều các bạn đang mong chờ nhất ở bài viết này và tôi cũng sẽ đi trực tiếp vào 6 yêu cầu chính.
#1. Kỹ thuật ngôn ngữ: Ngày nay có nhiều công nghệ ngôn ngữ giúp chúng ta giải quyết nhanh và hiệu quả vấn đề về từ vựng nhưng chúng ta lại phải bổ sung vào đó là kỹ năng trình bày. Các nội dung kỹ thuật thường không dài dòng nhưng phải đủ ý và đủ cấu trúc. Các từ ngữ gần như không cảm xúc hay màu sắc tự nhiên. Chúng ta phải biết sử dụng ngôn ngữ khô cứng một cách hiệu quả.
#2. Kiến thức nền: Đây là yếu tố chính để bản dich tài liệu kỹ thuật có thể hiểu được. Chí ít là hiểu đúng những gì vốn có của nó. Kiến thức nền ý chỉ bạn phải có hiểu biết về chuyên môn kỹ thuật – điều thực sự khó với những cử nhân ngoại ngữ. Và có lẽ chỉ có khả năng tích lũy vượt trội trong quá trình dịch thuật hoặc không thì người dịch phải xuất thân từ một lĩnh vực kỹ thuật nào đó thì mới có thể đảm bảo được yêu cầu này.
#3. Biết làm việc theo quy trình chuyên nghiệp: Dịch thuật là một công việc làm việc theo nhóm, nghĩa là phải có qui ước và quy chuẩn làm việc. Đơn giản là một người không thể tự dịch, tự soát lại và tự làm tất cả mọi việc mà không để lại sai sót nào. Một sai sót nhỏ thôi cũng có thể dẫn tới bản dịch thất bại gây hậu quả nghiêm trọng.
#4. Sự tập trung: Có lẽ muốn làm tốt việc gì cũng đòi hỏi sự tập trung. Sự tập trung sẽ giúp tư duy liền mạch và giảm thiểu được những sai sót khi dịch như dịch thiếu. Trong dịch thuật nói chung và dịch tài liệu kỹ thuật nói riêng thì sự tập trung sẽ bổ trợ đắc lực cho chất lượng và hiệu quả.
#5. Kỹ năng tra cứu: Để bù đắp cho kiến thức nền. Bạn có thể phải biết tra cứu ở đâu và tra cứu với từ khóa như thế nào. Sự sáng tạo của dịch thuật viên có thể được đánh giá từ kỹ năng này.
#6. Kỹ năng tin học: Trước khi công nghệ speech to text trở lên hoàn hảo thì bạn cần typing và xử lý mọi vấn đề về văn bản một cách thuần thục. Đôi khi bạn cũng cần biết thao tác với thư mục và internet. Trên thực tế thì khi làm việc tại AM các dịch thuật viên đều được đào tạo chuyên nghiệp nhưng không phải là tất cả. Các bạn cũng cần biết cách tìm hiểu và giải quyết nhiều vấn đề phát sinh.
Phương pháp tiếp cận để trở thành dịch thuật viên chuyên nghiệp.
Trong bài này ban đầu tôi chỉ muốn đề cập đến việc giúp bạn trở thành một dịch thuật viên tài liệu kỹ thuật tốt. Có nghĩa bạn sẽ có thể tự dịch được một tài liệu kỹ thuật với chất lượng chấp nhận được. Nhưng có lẽ nên mở rộng hơn một chút.
Điều đầu tiên, bạn cần yêu nghề này. Yêu nghề sẽ giúp bạn đạt được sự tập trung cần thiết. Ngay từ “chuyên nghiệp” cũng đã đòi hỏi người đó phải yêu nghề.
Điều thứ 2, bạn phải coi dịch thuật là một nghề chất xám thực sự. Học ngoại ngữ là là một việc khó với nhiều người và dịch thuật còn khó hơn. Một người nói tốt, có thể trò truyện như gió, trơn tru với người nước ngoài thì không có nghĩa là họ có khả năng dịch tốt.
Điều thứ 3, bạn luôn nhớ rằng bạn không làm việc một mình. Dịch thuật hiện đại có sự hỗ trợ của AI và máy móc cùng quy trình khoa học sẽ giúp chuyên môn hóa và biến công việc dịch trở lên thú vị.
Kết luận:
Bài viết này là một phần trong chương trình đào tạo hội nhập của AM Việt Nam. Chúng tôi muốn chia sẻ để cùng xây dựng một cộng đồng dịch thuật chuyên nghiệp và gắn bó. Một số ý có thể gây khó hiểu cho một số bạn, nhất là những bạn mới vào nghề nhưng đừng quên tìm kiếm sự trợ giúp từ những chuyên gia dịch thuật tại AM Việt Nam.