Kinh nghiệm xử lý nội dung khó trong biên dịch

Kinh nghiệm xử lý nội dung khó trong biên dịch
Kinh nghiệm xử lý nội dung khó trong biên dịch

Trong ngành dịch thuật, không có văn bản hay tài liệu nào được cho là “dễ dàng chuyển ngữ”. Biên dịch viên, dù có chuyên môn về tài liệu cần dịch hay có nhiều năm kinh nghiệm đi chăng nữa, đều ít nhất một lần gặp phải “nội dung khó” về mặt ngôn ngữ, thể loại và chuyên ngành. Vậy, người dịch vượt qua trở ngại đó như thế nào? Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày một số khó khăn như vậy và kinh nghiệm để vượt qua chúng.

Thế nào là nội dung khó?

Kinh nghiệm xử lý nội dung khó trong biên dịch
Nội dung khó trong biên dịch

Nội dung khó, ý trên mặt chữ, là nội dung mà người dịch gặp khó khăn để có thể đưa ra một bản dịch, theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về dịch thuật, và yêu cầu của khách hàng (nếu có). Dưới đây là một vài trong số rất nhiều nguyên nhân khiến một tài liệu trở nên hóc búa với người dịch.

Chuyên ngành

Tài liệu chuyên ngành luôn có bộ quy định riêng về bản dịch thuật ngữ, theo tiêu chuẩn dịch thuật, quy định của chuyên ngành đó hoặc theo quy định của khách hàng, nhưng nếu người dịch gặp phải một lĩnh vực chưa được quy định bản dịch tương ứng thì sao? Chẳng hạn như dự thảo luật, phát kiến khoa học chưa được công bố, tác phẩm văn học chưa được trình làng, v.v. Để đưa ra bản dịch cho những tài liệu này, đến biên dịch viên chuyên nghiệp, cao cấp cũng phải toát mồ hôi, vì sức nặng của bản dịch nằm ở chỗ, nó sẽ là thước đo, bản lề cho các bản dịch cập nhật sau này.

Khó khăn về mặt chuyên ngành còn là sự “trái ngành”, tức là người dịch phải dịch một tài liệu thuộc lĩnh vực không phải chuyên ngành của họ. Đây là điều không hiếm trong ngành dịch thuật, một phần vì thiếu nhân lực, phần còn lại là biên dịch viên muốn mở rộng kĩ năng. Chẳng hạn như một người chuyên dịch về kỹ thuật điện có thể phải “chèo đèo lội suối” mới đưa ra được bản dịch cho tài liệu y tế.

Ngôn ngữ

Ngôn ngữ có lẽ là trở ngại lớn nhất của biên dịch viên khi họ phải xét nét tới từ ngữ, ngữ pháp, cấu trúc, cú pháp, diễn ngôn. Chưa kể trên thế giới có 7000 ngôn ngữ đang được sử dụng, mỗi ngôn ngữ có nhiều phương ngữ, mỗi phương ngữ có hệ thống ngôn ngữ riêng. Chẳng hạn như tiếng Quảng Đông và tiếng Quan Thoại có thể dùng chung hệ thống chữ viết nhưng khác cách phát âm và ngữ pháp. Hoặc những ngôn ngữ có nhiều False Friends (tức là những từ Và văn bản trình bày ở những ngôn ngữ có hệ thống phức tạp như vậy, thực sự là quả núi lớn với người dịch.

Thể loại

Những thể loại tài liệu “khó dịch” mà người dịch đã có phương án dịch rồi nhưng không thể tìm được diễn đạt phù hợp trong ngôn ngữ đích. Điều này có thể thấy rõ ở những lời than phiền của dịch giả văn học. Nếu nhánh dịch tài liệu chuyên ngành gặp vất vả với thuật ngữ, cấu trúc và ngữ pháp chuyên ngành, nhánh dịch văn học lại gặp chông gai với văn phong, diễn đạt và từ lóng. Khó khăn lớn nhất ở đây chính là câu hỏi: Dịch đúng với nguyên tác để giữ được cái tôi văn học lai láng của tác giả, hay, chọn cách diễn đạt tự nhiên nhất ở ngôn ngữ đích để xóa nhòa vai trò của người dịch? Sau đây là một ví dụ về thơ thuận nghịch độc (đọc ngược, đọc xuôi đều có nghĩa) mà có lẽ làm khó cả những cao nhân:

Kinh nghiệm xử lý nội dung khó trong biên dịch

Bèo trôi nước giợn sóng mênh mông

Cỏ mọc bờ xa bóng liễu trông

Chèo vững thiếp qua vời khổ hải

Chí bền chàng đến vận trung không

Theo lần nguyệt xế mây mờ mịt

Hoạ đáp thông reo trống não nồng

Neo thả biết đâu nơi định trước

Bèo trôi nước giợn sóng mênh mông

Đọc ngược:

Mông mênh sóng giợn nước trôi bèo

Trước định nơi đâu biết thả neo

Nồng não trống reo thông đáp họa

Mịt mờ mây xế nguyệt lần theo

Không trung vận đến chàng bền chí

Hải khổ vời qua thiếp vững chèo

Trông liễu bóng xa bờ cỏ mọc

Mông mênh sóng giợn nước trôi bèo

Đi thuyềnHàn Mặc Tử

Trên đây chỉ là ba nguyên nhân khiến người dịch chật vật để đưa ra dịch phẩm. Trên thực tế, họ còn gặp phải rất nhiều tài liệu khó nhằn hơn rất nhiều. Nhưng đừng lo, dưới đây là một số kinh nghiệm vượt qua những “nội dung khó” mà tôi đã nói ở trên.

1. Đọc trước tài liệu

Khi được giao một tài liệu khó dịch, đừng vội vàng dịch ngay, hãy dành nhiều thời gian nhất có thể (nhưng đừng quá lâu) để đọc lướt tài liệu. Mục đích của việc này là nắm được cấu trúc tài liệu, đồng thời xác định những điểm khó, điểm cần dành thêm thời gian nghiên cứu, và biết đâu, trong tài liệu còn đi kèm định nghĩa hay diễn giải về thuật ngữ khó. Việc đọc trước tài liệu còn giúp bạn dự trù phương án dịch và lập bảng thuật ngữ.

2. Nghiên cứu và tra cứu

Dịch thuật luôn đi cùng hoạt động nghiên cứu và tra cứu, nhất là với những tài liệu khó dịch. Luôn nghi ngờ, nhất là những từ, cụm từ, diễn đạt quen thuộc nhưng có thể mang nghĩa khác trong phạm vi tài liệu. Hãy mở rộng phạm vi tra cứu, trên các công cụ tìm kiếm, các bản dịch của những tài liệu tương tự, thư viện, đề tài nghiên cứu, ấn phẩm, v.v.

Khi mọi phương pháp tra cứu đều đi vào ngõ cụt, bạn có thể lựa chọn hai cách sau:

(1) tạm thời bỏ qua, và tiến hành dịch những phần sau

(2) tham khảo, hỏi ý kiến từ những người dịch có kinh nghiệm về lĩnh vực này, các đơn vị có chuyên môn, khách hàng, thậm chí là người dùng cuối của sản phẩm dịch.

Mẹo: Cô giáo dạy Biên phiên dịch của tôi từng nói, để đưa ra phương án dịch khả quan nhất, trước tiên, đảm bảo bạn hiểu rõ nghĩa của bản gốc sau đó dành thời gian trả lời câu hỏi “từ đó nếu trong tiếng Việt sẽ là gì?”

3. Ghi chú và phản hồi

Hãy để lại ghi chú, ý kiến cá nhân về những đối tượng mà bạn cho rằng cần tìm hiểu thêm và dành thêm thời gian. Những ghi chú này sẽ hữu hiệu trong giai đoạn đọc soát, hiệu đính và kiểm tra chéo.

4. Tránh dịch từng chữ

Lỗi sai nghiêm trọng khi gặp phải những tài liệu khó, không có cơ sở đối chiếu. Bạn có thể tạm thời đưa ra phương án dịch mà bạn cho là phù hợp với ngữ cảnh, chớ dịch từng chữ. Điều này sẽ đẩy bạn vào hố sâu của sai lỗi và thậm chí dịch sai.

5. Đọc soát, kiểm tra chéo, hiệu đính nhiều lần

Điều này giúp hoàn thiện bản dịch, phát hiện những lỗi sai, thiếu sót và tận dụng được đóng góp của đồng nghiệp. In bản dịch và bản gốc ra giấy và ghi chú ngay trên đó những điểm cần cải thiện, cần sửa đổi.

6. Chia phần tài liệu và quản lý thời gian

Nếu tài liệu có khối lượng lớn, bạn có thể chia tài liệu thành từng phần và xử lý phần khó nhất và dài nhất trước tiên. Đặt ra một thời gian biểu rõ ràng cho từng phần để tránh tình trạng quá sa lầy vào một phần mà quên mất những phần khác.

7. Đừng quá căng thẳng và dành thời gian giải lao

Sau nhiều giờ nghiên cứu, hãy nghỉ ngơi một chút, vừa hanh thông đầu óc, tốt cho sức khỏe, vừa như một phần thưởng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của bạn.

8. Luôn tìm tòi, học hỏi

Luôn trau dồi, thâu nhận kiến thức ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Đây là điều quan trọng nhất để đối phó với “nội dung khó”. Vì chỉ khi bạn có nhiều kinh nghiệm và kiến thức, khi đó bạn mới có thể đối mặt với bất kỳ nội dung nào, dù khó hay dễ và trở thành một biên dịch viên chuyên nghiệp, cao cấp.

Trên đây là bài viết về cách đương đầu với một tài liệu có nội dung khó dịch, những nội dung mất rất nhiều thời gian để đưa ra bản dịch khi không có cơ sở đối chiếu hay kinh nghiệm, chuyên ngành hoặc thuộc về thể loại khó. Tuy mỗi người có một cách xử lý khác nhau, nhưng trọng tâm vẫn là tôi rèn kinh nghiệm và kỹ năng thật tốt để không có nội dung là khó với bạn.

Chia sẻ bài viết này:

Picture of Melisa Tran

Melisa Tran

Chuyên gia Ngôn ngữ

Bình luận của bạn

Kinh nghiệm xử lý nội dung khó trong biên dịch