Hòn đảo 500 người nhưng sử dụng đến 9 ngôn ngữ khác nhau

Hòn đảo 500 người nhưng sử dụng đến 9 ngôn ngữ khác nhau
Hòn đảo 500 người nhưng sử dụng đến 9 ngôn ngữ khác nhau

Cách thức giao tiếp của cư dân trên hòn đảo là một hiện tượng ngôn ngữ kỳ lạ

Đảo South Goulburn, một hòn đảo nhỏ có rừng nằm ngoài khơi xa bờ biển phía bắc Úc, là nơi cư ngụ của cộng đồng Warruwi. Chỉ với 500 cư dân nhưng số ngôn ngữ phục vụ giao tiếp ở nơi đây lên tới 9 thứ tiếng. Đây là một trong những nơi cuối cùng tại Úc, và có lẽ cũng là cuối cùng trên thế giới, tồn tại nhiều ngôn ngữ bản địa đến vậy. Các ngôn ngữ ở đây bao gồm Mawng, Bininj Kunwok, Yolngu-Matha, Burarra, Ndjébbana và Na-kara, Kunbarlang, Iwaidja, Torres Strait Creole và tiếng Anh.

Ngoại trừ tiếng Anh, không có ngôn ngữ nào trong danh sách trên có số người nói vượt quá con số vài nghìn. Một vài ngôn ngữ trong số chúng, như Ndjébbana và Mawng, chỉ có vài trăm người nói. Khi nghĩ về phương thức giao tiếp làm sao để tất cả người dân nơi đây có thể hiểu nhau, có người đã nghĩ rằng người dân tại hòn đảo South Goulburn đều biết nhiều ngôn ngữ, hoặc họ đã thống nhất một hệ thống ngôn ngữ đơn giản cùng sử dụng, như dạng một bát canh lấy các viên đá ngôn ngữ khác nhau làm nguyên liệu. Nhưng thực tế thì mỗi người dân chỉ nói chuyện với người khác bằng (các) thứ tiếng mà họ có thể sử dụng bởi mọi người tuy không thể nói nhưng vẫn có thể hiểu một vài hoặc cả 9 ngôn ngữ trên hòn đảo.

Đa ngôn ngữ tiếp thu xảy ra ở đâu?

Sự sắp xếp này, được các nhà ngôn ngữ học gọi là “đa ngôn ngữ tiếp thu” (receptive multilingualism), tồn tại ở mọi nơi trên thế giới. Hiện tượng này xảy ra một cách tình cờ ở một số nơi. Chẳng hạn, nhiều người Anglos nói tiếng Anh sống ở các bang giáp biên giới Hoa Kỳ có thể đọc và hiểu tương đối tiếng Tây Ban Nha thông qua tiếp xúc với ngôn ngữ này. Và không ít trẻ em nhập cư học nói ngôn ngữ của nước sở tại đồng thời vẫn duy trì khả năng hiểu ngôn ngữ của cha mẹ mình. Ở những nơi khác, đa ngôn ngữ tiếp thu là cách giải quyết cho các tình huống tạm thời. Nhưng tại cộng đồng Warruwi, hiện tượng này đóng một vai trò đặc biệt.

Hòn đảo 500 người nhưng sử dụng đến 9 ngôn ngữ khác nhau

Ruth Singer, nhà ngôn ngữ học thuộc Dự án Wellsprings of Linguistic Diversity (Cội nguồn của sự Đa dạng ngôn ngữ) của Đại học Quốc gia Úc, đã tình cờ nhận ra điều này, và đã có bài viết gần đây về đa ngôn ngữ tiếp thu tại Cộng đồng Warruwi trên tạp chí Language and Communication (Ngôn ngữ và Truyền thông). Năm 2006, trong một chuyến đi thực địa tại South Goulburn, Singer và chồng đã vận chuyển một chiếc xe tải Toyota từ Darwin bằng thuyền. Mặc dù hòn đảo này không quá lớn và không có nhiều ô tô nhưng có một chiếc ô tô giúp họ dễ kết thân với người dân hơn. Họ kết bạn với một cặp vợ chồng của hòn đảo, Nancy Ngalmindjalmag và Richard Dhangalangal, có thuyền và xe móc nhưng lại không có ô tô. Hai cặp vợ chồng cùng đi câu cá, săn bắt và đào trứng rùa trên biển. Từ đó Singer nhận ra rằng Nancy luôn nói chuyện với Richard bằng tiếng Mawng, nhưng Richard lại luôn trả lời bằng tiếng Yolngu-Matha, mặc dù Nancy cũng có thể nói trôi chảy tiếng Yolngu-Matha.

Singer viết trong e-mail, “Khi tôi bắt đầu nghiên cứu về đa ngôn ngữ và tập cho tai của mình quen với cách thức mọi người sử dụng các ngôn ngữ khác nhau, tôi bắt đầu nghe được những cuộc nói chuyện đa ngôn ngữ tiếp thu trên khắp Warruwi, chẳng hạn như hai người đàn ông đang sửa hàng rào, hoặc hai người nói chuyện trong cửa hàng.

Bà cho rằng có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng này. Đối với trường hợp của cặp vợ chồng trên, Richard không nói tiếng Mawng bởi anh không phải người dân gốc của cộng đồng Warruwi. Việc anh ta nói tiếng Mawng được coi là sự thách thức luật lệ rằng người không có gốc địa phương sẽ không có một số quyền nhất định. Ngoài ra, số người nói tiếng Yolngu-Matha nhiều hơn và họ có xu hướng đa ngôn ngữ thấp hơn so với những người nói ngôn ngữ có số người sử dụng ít hơn.

Giới hạn đánh giá một ngôn ngữ

Xét một cách rộng hơn, mọi người trong cộng đồng Warruwi chỉ đang tránh việc chuyển đổi sang ngôn ngữ chung bởi các lý do về mặt xã hội lẫn cá nhân. Một số gia đình nhất quyết cho rằng con cái họ chỉ được nói ngôn ngữ của gia đình, thường là của người cha. Các ngôn ngữ có liên quan đến một mảnh đất hoặc một vùng lãnh thổ cụ thể trên hòn đảo sẽ được coi là ngôn ngữ của thị tộc sở hữu mảnh đất/ vùng lãnh thổ này. Người dân chỉ được nói những ngôn ngữ mà họ được phép nói – sự phá vỡ quy định này sẽ bị xem là dấu hiệu thể hiện sự thù địch.

Tuy nhiên, không có giới hạn nào để đánh giá khả năng hiểu một ngôn ngữ – hay như cách dùng từ của Nancy khi được phỏng vấn, “nghe được” ngôn ngữ. Singer đặt nghi vấn rằng đa ngôn ngữ tiếp thu ở Úc đã có từ lâu đời. Hiện tượng này từng được ghi nhận bởi một số người châu Âu định cư đầu tiên trong các cuộc thám hiểm cuối thế kỷ 18 vào lục địa Úc. Một người định cư chia sẻ trên tạp chí rằng “Mặc dù người bản địa chúng tôi và những người lạ cùng nói chuyện với nhau và hoàn toàn hiểu nhau, nhưng hai bên lại nói các phương ngữ khác nhau của cùng một ngôn ngữ”.

Mặc dù Úc không phải là nơi duy nhất trên thế giới xảy ra hiện tượng đa ngôn ngữ tiếp thu, nhưng điều làm cho Warruwi khác biệt là những kỹ năng tiếp thu đã đạt đến mức độ thành thục. Khi mà ngành ngoại ngữ hàn lâm có xu hướng đánh giá các kỹ năng tiếp thu ngôn ngữ là chỉ học được nửa chừng, chưa hoàn thiện hay thậm chí tệ hơn là thất bại, thì ở tại Warruwi, một người có thể đạt được kỹ năng sử dụng ngôn ngữ như thể đó là ngôn ngữ gốc của họ. Người Anglos ở Texas thường không viết khả năng “Hiểu tiếng Tây Ban Nha” trong hồ sơ xin việc, trong khi những đứa trẻ nhập cư có thể gặp lúng túng khi chúng chỉ có thể hiểu nhưng không nói được ngôn ngữ của cha mẹ mình. Thêm một điểm khác biệt của những người dân ở cộng đồng Warruwi với hiện tượng đa ngôn ngữ tiếp thu khác là các kỹ năng họ tiếp nhận không phải để tiến đến kỹ năng nói. Richard Dhangalangal, bạn của Singer là ví dụ điển hình. Richard sống gần như cả cuộc đời với người nói ngôn ngữ Mawng và hiểu ngôn ngữ này thành thạo nhưng không ai nghĩ đến việc là anh sẽ phải nói tiếng Mawng.

Đa ngôn ngữ tiếp thu đã được thể chế hóa ở một số nơi. Ở Thụy Sĩ, quốc gia có bốn ngôn ngữ chính thức (từ hai hệ ngôn ngữ khác nhau), đa ngôn ngữ tiếp thu đã được xây dựng vào hệ thống giáo dục để trẻ em học ngôn ngữ địa phương, ngôn ngữ thứ hai của quốc gia và tiếng Anh từ khi còn nhỏ. Về mặt nguyên tắc, việc này được cho là sẽ giúp mọi người có thể hiểu ngôn ngữ của người khác. Nhưng nghiên cứu năm 2009 cho thấy tính đơn ngữ đáng kể của người dân Thụy Sĩ; người nói tiếng Ý có xu hướng đa ngôn ngữ cao nhất trong khi người nói tiếng Pháp lại xếp cuối cùng. Hơn nữa, mỗi nhóm người nói một ngôn ngữ lại có thái độ tiêu cực với các ngôn ngữ khác. Giống như tại cộng đồng Warruwi, các yếu tố xã hội và ý niệm về việc ngôn ngữ đã và đang định hình sự tồn tại của các ngôn ngữ ở nhiều nơi như Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, thậm chí người ở Thụy Sĩ cũng coi mức độ hiểu, nhưng không nói được, ở Úc là việc bình thường, bởi nhiều người ở châu Âu thường biết nhiều ngôn ngữ có mối quan hệ với ngôn ngữ của mình (như tiếng Rôman, Đức và Xla-vơ). Điều này giúp họ sử dụng từ vựng và cấu trúc ngữ pháp có cùng nguồn gốc với ngôn ngữ mình sử dụng để hiểu thụ động. Ngược lại, các ngôn ngữ ở cộng đồng Warruwi đến từ sáu hệ ngôn ngữ khác nhau và không thể hiểu lẫn nhau, do đó, các nhóm kỹ năng tiếp thu thực tế khá phức tạp. Hiện chưa ai biết được đa ngôn ngữ tiếp thu có thể giúp một người có thể hiểu nhưng không nói được bao nhiêu thứ tiếng.

Dù ở Thụy Sĩ hay tại cộng đồng Warruwi, đa ngôn ngữ tiếp thu đều mang lại lợi ích chung là giúp con người thể hiện bản thân và cội nguồn mà không ép buộc đối phương cũng phải như vậy. Singer cho rằng điều này tạo ra sự ổn định xã hội tại cộng đồng Warruwi bởi tất cả các nhóm đều cảm thấy thoải mái và tự tin với bản sắc của mình. “Sự đa dạng về ngôn ngữ và xã hội tại Warruwi được coi là yếu tố thiết yếu đối với sự hòa hợp xã hội hơn là rào cản, nhấn mạnh rằng con người cần khẳng định bản sắc đa dạng thay vì cùng thể hiện một màu giống nhau. Khi không có một cấu trúc xã hội phân cấp lớn như cộng đồng thị tộc, vương quốc hay quốc gia, việc duy trì hòa bình không phải là vấn đề dễ dàng.”

Những nơi khác trên thế giới lại lựa chọn cách thức duy trì hòa bình về ngôn ngữ là để mọi người lựa chọn ra một ngôn ngữ dùng chung, thậm chí là dùng ngôn ngữ cầu nối. Việc này được coi như “sự thích nghi”, là yếu tố cốt lõi để giảm thiểu sự khác biệt trong cộng đồng. Nhưng một số nơi trên thế giới không ưu tiên sự thích nghi, thậm chí còn không nghĩ đến phương án này. Như trường hợp ở cộng đồng Warruwi, Singer nhận ra rằng những người giành quyền sở hữu cộng đồng (và bằng việc mở rộng ngôn ngữ) sẽ không có ý định nói ngôn ngữ khác.

Bài học rút ra từ việc đa ngôn ngữ tiếp thu

Một bài học rút ra từ việc đa ngôn ngữ tiếp thu ở cộng đồng Warruwi: Các nhóm bản địa nhỏ phức tạp đến kinh ngạc, cả về mặt xã hội và ngôn ngữ, và đa ngôn ngữ tiếp thu là phương tiện và là hệ quả của sự phức tạp đó. Hiện tượng này cũng có thể đóng vai trò quan trọng với tương lai của các ngôn ngữ có số người nói ít và đang giảm dần nếu tìm hiểu nhiều hơn về cách thức nâng cấp khả năng tiếp thu một ngôn ngữ lên mức có thể nói được ngôn ngữ đó. Theo Singer, “Nếu chúng ta nắm bắt được khả năng tiếp thu tốt hơn, chúng ta có thể thiết kế việc dạy ngôn ngữ cho những người này, điều đó sẽ giúp những người chỉ hiểu ngôn ngữ di sản của họ bắt đầu khả năng nói ngôn ngữ đó trong cuộc sống.”

(Tham khảo từ cộng đồng Internet)

Chia sẻ bài viết này:

Picture of AM Localize

AM Localize

Giám đốc Dự án

Bình luận của bạn

Hòn đảo 500 người nhưng sử dụng đến 9 ngôn ngữ khác nhau