Dịch thuật tiếng Việt: Dễ hay khó?

Dịch thuật tiếng Việt: Dễ hay khó?
Dịch thuật tiếng Việt: Dễ hay khó?

Là một dịch thuật viên người Việt Nam, tôi đã có 10 năm gắn bó với nghề dịch thuật. Cặp ngôn ngữ chính của tôi là dịch tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại. Đôi khi tôi cũng được yêu cầu dịch một số tài liệu tiếng Pháp đơn giản vì xuất thân ban đầu là dân chuyên Pháp. 10 năm có lẽ là một khoảng thời gian đủ dài để tôi có thể chia sẻ với các bạn một vài điều. 

Và câu hỏi cho ngày hôm nay đó là: Dịch thuật tiếng Việt dễ hay khó?

Ngữ pháp có phải là một thách thức trong dịch thuật tiếng Việt?

Chúng ta vẫn thường nghe câu nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Nghe qua chúng ta sẽ nghĩ ngay rằng chắc ngữ pháp tiếng Việt phải khủng khiếp lắm, đáng sợ lắm. Nhưng tôi nói nhỏ với bạn điều này, “Ngữ pháp tiếng Việt thực ra rất đơn giản, đơn giản tới mức gần như nó không tồn tại”. Vậy tại sao ngữ pháp tiếng Việt lại là một thách thức?

Mọi thứ đơn giản quá thực ra nó lại trở thành phức tạp giống như câu nói “trông vậy nhưng lại không phải vậy”. Người Việt Nam thường rất dễ nhầm lẫn giữa văn nói và văn viết, và ngày nay đôi khi là cả văn mạng. Sự nhầm lẫn này có phần khá tai hại và thực sự ngày nay rất khó tìm thấy một bản dịch mang sắc thái văn viết chính thống hoàn toàn. 

Mới đây tôi có nghe được một đoạn hội thoại trên radio, cô MC của một đài quốc gia có nói với một độc giả: – Nếu bác còn lăn tăn về tình trạng của mình thì bác có thể tìm đến gặp trực tiếp bác sĩ chuyên khoa. 

Trước hết từ “lăn tăn” lẽ ra không nên được nói ra vì nó là một từ khá nóng. Từ đúng trong ngữ cảnh này phải là “băn khoăn“.

Hoặc một ví dụ khác mà tôi tin rằng nhiều bạn sẽ mắc sai lầm: “– Chúng ta cần phải tiến hành thực hiện nghiêm chỉnh 5K trong phòng chống dịch. “. Nếu đọc qua thì câu này có vẻ rất hay và hoản hảo. Nhưng thực ra câu này chỉ cần nói như sau: “- Chúng ta phải thực hiện nghiêm chỉnh 5K trong phòng chống dịch.”

Từ “tiến hành thực hiện” thực ra thì chỉ cần “tiến hành” hoặc “thực hiện” là đã đủ ý. Và nếu dùng cùng nhau sẽ dẫn tới trường hợp lặp ý. 

Thêm nữa về chủ đề ngữ pháp. Vì tiếng Việt là một ngôn ngữ lai tạp nên đôi khi xuất hiện câu được hiểu theo đa nghĩa, mà nhiều khi lại nghĩa mang tính đối nghịch nhau. Hãy xem như đây là một câu đố: Bạn thử tìm một vài câu tiếng Việt mà có chính câu đó có nghĩa ngược nhau. Hãy email cho tôi tại duyen@amvietnam.com để nhận phần quà nho nhỏ. 

Ngữ pháp có phải là một thách thức trong dịch thuật tiếng Việt?
Ngữ pháp có phải là một thách thức trong dịch thuật tiếng Việt?

Sự khác nhau giữa độ dài câu tiếng Anh và tiếng Việt 

Đây lại là một thách thức cho những người bản địa hóa website, phần mềm, game hoặc ứng dụng di động.

Trong giao diện phần mềm thường không cho phép các câu quá dài. Việc dịch ra tiếng Việt sẽ thường làm cho câu bị dài hơn, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao diện và trải nghiệm người dùng. Có thể ứng dụng của bạn đang được hiển thị rất đẹp bằng tiếng Anh nhưng lại khá xấu xí với tiếng Việt. 

Một ví dụ thường thấy là tên của chức năng trong ứng dụng di động. Với kích thước màn hình hạn chế nên việc tìm kiếm một cụm từ tiếng Việt có độ dài tương đương mà lại phải hiểu đúng và gẫy gọn thì thực sự là một thách thức không nhỏ. 

Ví dụ điển hình: Add media = Thêm nội dung đa phương tiện/Thêm đa phương tiện.

Trong trường hợp này thì thường sẽ mượn một vài từ tiếng Anh để cho câu tiếng Việt đọc có vẻ chuyên nghiệp hơn. Ví dụ: “Thêm Media”

Trên thực tế thì bản dịch tiếng Việt thường dài hơn trung bình 15% so với bản dịch tiếng Anh nếu xét theo số từ.

Văn phong tiếng Việt: Một thách thức siêu to khổng lồ

Tôi xin phép được sử dụng trend trong tiêu đề của nội dung này vì chí ít đây có thể là nơi duy nhất tôi được dùng từ một cách thoải con gà mái.

Trên thực tế thì tiếng Anh rất khoa học. Đôi khi họ chỉ cần viết một cách viết và dùng cho nhiều loại văn phong khác nhau. Người đọc sẽ thẩm theo cách của mình. Nhưng thông điệp của câu viết đó thì không đổi. Ai cũng hiểu đúng được theo ý của người viết.

Nói đến tiếng Việt thì hơi khác một chút. Chúng ta có văn phong marketing, có văn phong pháp lý hoặc văn phong tự do, v.v. Chúng ta cần sáng tạo nhiều hơn, hoặc phải thật quen với từng loại tài liệu thì mới có thể cho ra một bản dịch được gọi là ưng với cái ý của khách hàng. 

Tóm lại thì dịch tiếng Việt dễ hay khó?

Theo tôi thì dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh sẽ dễ hơn nhiều so với dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Tại sao? 

  • Tôi là người Việt Nam bản địa, tôi đọc tiếng Việt sẽ dễ hiểu đúng hơn. Vì vậy nếu tôi hiểu đúng thì tôi sẽ có cách để trình bày sang tiếng Anh hiệu quả.
  • Tôi chuyên dịch tài liệu pháp lý chuyên ngành. Ngôn ngữ tiếng Anh rất trong sáng và khoa học. Tôi sẽ không bị vướng khi phải lựa chọn văn phong phù hợp nếu dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Nhưng ngược lại thì khác. 
  • Tiếng Anh dễ kiểm tra ngữ pháp, chính tả hơn tiếng Việt. Hãy tin tôi đi, vì đây là một hiện thực khách quan. 
  • Tôi đã tìm thấy được nhiều kinh nghiệm để diễn đạt một câu tiếng Việt sang tiếng Anh hiệu quả. 
  • Và hơn hết là tôi tự tin rằng tôi sẽ dịch sang tiếng Anh tốt hơn là một người Anh dịch tiếng Việt sang ngôn ngữ của họ. Điều này chắc ai cũng biết. Nếu chưa biết, hãy xem lại ý đầu tiên ở phía trên.
Tôi sẽ cập nhật tiếp bài viết này khi tôi phát hiện thêm một vài điều mới mẻ. 

Chia sẻ bài viết này:

Picture of Duyen Dam-thi

Duyen Dam-thi

Luật sư Cố vấn

Bình luận của bạn

Dịch thuật tiếng Việt: Dễ hay khó?