Bộ thông số đánh giá chất lượng đa diện MQM

Đánh giá chất lượng dịch thuật là một công việc khó khăn, bởi nhận định chủ quan của người tham gia đánh giá có thể ảnh hưởng đến kết quả khách quan của cả quá trình này. Để hạn chế tối thiểu sai lệch gây ra do đánh giá chủ quan, cũng giống như các ngành khác, các bộ thông số đánh giá chất lượng trong ngành dịch thuật đã được ra đời. Một bộ thông số mới, linh hoạt và đang rất được chào đón trong số ấy là MQM – Multidimensional Quality Metrics (Bộ thông số đánh giá chất lượng đa diện).
Bộ thông số đánh giá chất lượng đa diện MQM
Bộ thông số đánh giá chất lượng đa diện MQM

MQM là gì?

MQM là bộ thông số đánh giá chất lượng dịch thuật được phát triển từ năm 2014 bởi nhóm Quality Translation Launch Pad (QTLP 2013). MQM nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Liên minh Châu Âu và có thể coi là thước đo chuẩn mức trong đánh giá chất lượng dịch thuật. MQM đã trải qua tổng cộng 19 phiên bản với nhiều lần sửa đổi; phiên bản ổn định hiện tại là 1.0. MQM kế thừa thành tựu của các mô hình và công cụ đánh giá chất lượng dịch thuật đi trước, nổi bật hơn cả trong số đó là mô hình LISA QA nổi tiếng (được phát triển bởi Localization Industry Standards Association Quality Assessment – Hiệp hội Tiêu chuẩn Ngành bản địa hóa, nay đã ngừng hoạt động).

MQM gồm những gì và triển khai ra sao?

Đánh giá chất lượng (quality assessment), đảm bảo chất lượng (quality assurance) và kiểm soát chất lượng (quality control) là các quy trình tối quan trọng trong bất cứ ngành nào, và MQM ở đây đặt trọng tâm vào việc đánh giá chất lượng. MQM đặt ra khung cho việc mô tả và định nghĩa các thông số chất lượng dùng trong việc đánh giá chất lượng của văn bản dịch và xác định các vấn đề cụ thể trong các văn bản ấy. MQM cũng đặt ra khung có hệ thống để mô tả các thông số chất lượng dựa trên việc nhận diện các đặc điểm của văn bản. Bộ thông số này được thiết kế để phù hợp với môi trường sản xuất chuyên nghiệp (ngành dịch thuật, nơi các bản dịch được tạo ra giống như các sản phẩm, nhằm mục đích tạo doanh thu) cũng như môi trường đánh giá, kiểm tra.

Đúng như tên gọi, MQM gồm các phương diện phục vụ đánh giá chất lượng dịch thuật, đó là:

  1. Accuracy (Tính chính xác)
  2. Fluency (Tính trôi chảy)
  3. Terminology (Thuật ngữ)
  4. Locale Convention (Quy ước bản địa)
  5. Style (Phong cách)
  6.  Verity (Tính trung thực), và
  7.  Internationalization (Tính quốc tế hóa). 

Dựa trên đặc điểm, tính chất và yêu cầu của từng dự án mà người dùng có thể chọn các phương diện tương ứng. Sau khi chọn phương diện đánh giá, người dùng có thể chọn các loại vấn đề; MQM có danh mục hơn 100 loại vấn đề với đầy đủ định nghĩa và ví dụ. Đây là con số tương đối lớn, tuy nhiên MQM cũng có danh mục vấn đề nhỏ hơn, gọi là MQM Lõi, liệt kê 20 vấn đề thường gặp nhất, phù hợp cho phần lớn mục đích.

MQM Lõi, 20 vấn đề thường gặp trong dịch thuật
MQM Lõi, 20 vấn đề thường gặp trong dịch thuật

MQM có thể được sử dụng bằng nhiều cách, chẳng hạn:

  • Dùng để tự đặt ra thông số chất lượng cho một LSP, dựa trên các phương diện đánh giá. Khi đó, tiến hành theo các bước:
  1. Xác định tiêu chuẩn
  2. Chọn phương diện đánh giá
  3. Chọn phương pháp đánh giá
  4. Chọn vấn đề
  5. Chọn trọng số vấn đề
  6. Xác định ngưỡng
  7. Thực hiện quy trình
  • Sử dụng thông số chất lượng được đặt sẵn, rất hữu dụng khi dùng trong so sánh trên các dự án tương tự nhau
  • Đánh dấu các lỗi trong văn bản hoặc dùng thẻ điểm (score card)

Áp dụng MQM tại các công ty cung cấp dịch vụ dịch thuật (LSP)

Do MQM được chuẩn hóa ở mức cao độ, việc áp dụng bộ thông số này tại các LSP sẽ góp phần đáng kể trong giảm thiểu tác động của đánh giá chủ quan lên quá trình đánh giá chất lượng sản phẩm dịch thuật. tsd Technik-Sprachendienst GmbH, LSP hàng đầu tại Đức, một trong những nơi đi đầu trong áp dụng MQM, đề xuất quy trình đọc soát dựa trên khung DQF-MQM (vốn là bộ thông số mở rộng từ MQM, được kết hợp với DQF, Dynamic Quality Framework – Khung chất lượng động) như sau:

Quy trình đọc soát theo khung DQF-MQM
Quy trình đọc soát theo khung DQF-MQM
  1. Phụ trách dự án phân tích tài liệu bằng hệ thống quản lý dịch thuật và gửi báo giá tới khách hàng, cùng với ước tính thời gian xử lý.
  2. Sau khi lời đề nghị được xác nhận, quản lý dự án thảo luận tất cả các yêu cầu cụ thể với khách hàng, và dự án được phân công cho người đọc soát, thực hiện việc đọc soát theo khung DQF-MQM.
  3. Kết quả đọc soát được ghi lại trong một tài liệu riêng, cung cấp tới khách hàng cho tất cả các bản dịch, hoặc đặt trong bảng tổng hợp.
  4. Tiếp nhận phản hồi của khách hàng.

Chia sẻ bài viết này:

Picture of Justin Nguyen

Justin Nguyen

Điều phối Dự án

Bình luận của bạn

Bộ thông số đánh giá chất lượng đa diện MQM