Kể từ khi Thế vận hội hiện đại ra đời vào năm 1894, số lượng quốc gia tham dự đã tăng từ 24 lên hơn 200 quốc gia. Rào cản ngôn ngữ theo đó cũng dần trở thành thách thức khổng lồ. Sau một năm trì hoãn vì đại dịch COVID-19, Thế vận hội Tokyo 2020(+1) đã chính thức khởi tranh. Nhân dịp này, hãy cùng điểm qua một vài câu chuyện lý thú về dịch thuật tại đại hội thể thao số một thế giới.
1. Thế vận hội Tokyo 2020 có 3 ngôn ngữ chính thức: Anh, Pháp và Nhật.
Một kỳ Thế vận hội (TVH) luôn có hai ngôn ngữ chính thức: tiếng Anh và tiếng Pháp. Các ngôn ngữ khác được bổ sung tùy theo nước chủ nhà. Ở đại hội lần này, chúng ta có thêm tiếng Nhật.
Khỏi nói cũng biết, tiếng Nhật là ngôn ngữ chính thức của đất nước mặt trời mọc. Ước tính có khoảng 128 triệu người nói tiếng Nhật trên toàn thế giới, đa phần sinh sống tại xứ sở hoa anh đào. Tiếng Nhật thuộc họ ngôn ngữ Nhật Bản. Ngữ hệ này gồm 12 ngôn ngữ thành viên, được sử dụng chủ yếu trên lãnh thổ Nhật. Trong số đó, nổi bật hơn cả là tiếng Ryūkyūan được nói phần lớn ở Okinawa và tiếng Ainu chỉ còn được sử dụng bởi một số ít người già bản địa tại Hokkaidō.
Tiếng Nhật có nhiều đặc điểm độc đáo, chẳng hạn như ngữ pháp phức tạp, hay tôn kính ngữ, khiêm nhường ngữ thể hiện sự tôn trọng và lịch sự ở nhiều mức độ khác nhau. Hệ thống chữ viết tiếng Nhật cũng nổi tiếng “khó nhằn”, với cả thảy ba bộ chữ khác nhau:
Hán tự, chủ yếu vay mượn từ tiếng Trung Quốc.
Hiragana, hay chữ mềm, là một dạng văn tự biểu âm truyền thống trong tiếng Nhật, được dùng để ghi các từ gốc Nhật, Hán-Nhật và các thành tố ngữ pháp như trợ từ, trợ động từ, đuôi động từ, tính từ… cũng như dùng để biểu âm cho Hán tự.
Katakana, còn gọi là chữ cứng, thường được dùng để phiên âm những từ có nguồn gốc ngoại lai.
2. Vì sao lại có tiếng Pháp?
Cùng là ngôn ngữ chính thức, nhưng trừ khi Thế vận hội được tổ chức tại một nước nói tiếng Pháp, ngôn ngữ này thường sẽ không được coi trọng bằng tiếng Anh và ngôn ngữ của nước chủ nhà.
Thế nên mới có chuyện cứ mỗi kỳ đại hội, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ lại theo dõi sát sao để đảm bảo tiếng Pháp không bị “lép vế” so với các ngôn ngữ khác. Tổ chức này thậm chí còn cắt cử một thành viên làm nhiệm vụ giám sát ngôn ngữ, gọi là le Grand Témoin, dịch ra là “the Great Witness” hay “Chứng nhân vĩ đại”.
Nhưng vì cớ gì mà tiếng Pháp lại trở thành ngôn ngữ chính thức của đại hội thể thao lớn nhất hành tinh? Để tìm hiểu ngọn nguồn, ta cần ngược dòng về quá khứ. TVH cổ đại được khai sinh tại Hy Lạp, diễn ra trong giai đoạn 776 TCN – 393. Sau nhiều thế kỷ bị lãng quên, đến năm 1894, đại hội thể thao này được khôi phục, với kỳ Thế vận hội hiện đại đầu tiên tổ chức vào năm 1896 tại Athens. Người khởi xướng việc này là Nam tước Pierre de Coubertin, một người Pháp. Ông cũng chính là người soạn thảo Điều lệ Thế vận hội, trong đó quy định tiếng Pháp là ngôn ngữ bắt buộc tại đại hội. Quy định này đến giờ vẫn được giữ nguyên, có lẽ để thể hiện sự tôn trọng với “cha đẻ” của TVH hiện đại.
3. Tên linh vật Olympic và Paralympic có ý nghĩa gì?
Linh vật của Olympic và Paralympic Tokyo 2020 lần lượt là những nhân vật hoạt hình có tên Miraitowa và Someity. Miraitowa (ミライトワ) là sự kết hợp của hai từ “tương lai” (未来, mirai) và “vĩnh cửu” (永久, towa) trong tiếng Nhật. Cái tên Someity (ソメイティ) được đặt theo someiyoshino, một loại hoa anh đào. Khi phát âm, Someity nghe giống như cụm từ tiếng Anh “so mighty” (thật hùng mạnh).
4. Nhân cách hóa các nước tham dự.
Để chào đón kỳ TVH tổ chức tại quê nhà, một nhóm nghệ sĩ Nhật Bản đã tiến hành dự án nhân hóa các quốc gia tham dự Tokyo 2020, hô biến mỗi nước thành một nhân vật theo phong cách hoạt hình Nhật Bản (anime). Dự án này có tên World Flags Project (Dự án quốc kỳ). Mỗi nhân vật có tính cách và quá khứ riêng, là sự kết hợp giữa thiết kế trên quốc kỳ và văn hóa của nước đó.
Chàng samurai Việt Nam hiện lên như sau:
- Sinh nhật: 30.11
- Cao: 1m75
- Nhóm máu: B
- Sở thích: Chăm sóc thú cưng
- Kỹ năng đặc biệt: Xem bói
- Điểm yếu: Quản lý lịch trình
- Món ăn yêu thích: Phở
- Tính cách: Hiền lành, dễ chịu nhưng lại giả đò nghiêm nghị vì xung quanh có quá nhiều người phóng khoáng, tự do.
Có thể sử dụng thức thần để triệu hồi hổ cưng (Toraichi, Toraji, Torazo), và sử dụng dấu sao năm cánh để xử lý các kỹ thuật đặc biệt. Vì yêu động vật nên đôi khi anh ta nhầm lẫn và triệu hồi một con chó con thay vì em Toraichi.
Câu cửa miệng: “Chân hồng âm dương sư tham kiến!”
(Nguồn: Tama Duy Ngoc)
Để tìm hiểu về các nước khác, mời bạn truy cập đường link tại đây.
5. Tình nguyện viên phiên dịch mất việc.
Như bất kỳ sự kiện thể thao lớn nào khác, khả năng cung cấp dịch vụ biên, phiên dịch luôn là mối quan tâm hàng đầu tại Thế vận hội. Bên cạnh các biên, phiên dịch viên chuyên nghiệp, nước chủ nhà thường bố trí đội ngũ tình nguyện viên hỗ trợ công tác dịch, hướng dẫn và đưa đón khách quốc tế.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đại hội lần này không cho phép khán giả đến cổ vũ trực tiếp tại địa điểm thi đấu. Tức là nhiều tình nguyện viên không có người để giúp. Nếu phải tìm một điểm tích cực trong tình trạng nhàn rỗi này, thì đó là các tình nguyện viên được xem trực tiếp các nội dung thi đấu, từ hàng ghế đầu, hoàn toàn miễn phí. Ban tổ chức Tokyo 2020 cho biết họ đang “đánh giá lại” vai trò của các tình nguyện viên.
6. Công nghệ dịch thuật tiên tiến ra mắt tại Tokyo 2020.
Là một cường quốc công nghệ, Nhật Bản kỳ vọng sẽ trình làng nhiều sản phẩm và công nghệ mới nhằm hỗ trợ tổ chức TVH trên nhiều phương diện, trong đó có dịch thuật. Panasonic đã cho ra mắt Fukidashi, một thiết bị dịch thuật di động được thiết kế giống bong bóng thoại trong truyện tranh. Ban tổ chức Tokyo 2020 từng có ý định xây dựng một “làng rô bốt”, bên cạnh làng vận động viên, với toàn bộ cư dân là rô bốt để hỗ trợ dịch thuật cùng nhiều hoạt động khác. Và tất nhiên, nhiều ứng dụng dịch thuật theo thời gian thực và thiết bị cầm tay mới cũng được chờ đón.
Tuy nhiên, COVID-19 đã phá vỡ mọi kế hoạch. Không có lượng khách quốc tế đông đảo, đồng nghĩa các công nghệ hiện đại không có đất dụng võ, và chẳng thu hút được mấy sự quan tâm.
7. Từ kia nghĩa là gì?
Hẳn bạn đã từng nghe về vốn tiếng Anh có một không hai của người Nhật. Một phần nguyên nhân xuất phát từ hệ thống chữ katakana dùng để phiên âm tiếng Anh. Sau khi “qua tay” bộ chữ này, cách phát âm của một từ tiếng Anh rất có thể sẽ thay đổi hoàn toàn, đến mức bạn không thể tưởng tượng được từ gốc ban đầu là từ gì.
Nhân dịp TVH, cùng điểm qua một số thuật ngữ thể thao thường gặp trong tiếng Nhật để tránh bỡ ngỡ khi theo dõi nhé!
- 金メダル (kin medaru): Gold medal – Huy chương vàng
- 銀メダル (gin medaru): Silver medal – Huy chương bạc
- 銅メダル (dou medaru): Bronze medal – Huy chương đồng
- アスリート(asurito): Athlete – Vận động viên
- スケートボード (sukētobōdo): Skateboarding – Trượt ván
- テニス (tenisu): Tennis – Quần vợt
- ソフトボール (sofutobo-ru): Softball – Bóng mềm
- スポーツクライミング (supōtsukuraimingu): Sport climbing – Leo núi thể thao
Tạm kết
Đằng sau ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh còn vô vàn những điều lý thú khác. Nếu bạn biết điều gì chưa được đề cập trong bài viết này, hãy chia sẻ với chúng mình nhé.
(Theo K-International)