Nếu bạn là người nói tiếng Anh thì xin chúc mừng, bạn đang sử dụng một ngôn ngữ toàn cầu và chưa từng có ngôn ngữ nào được sử dụng rộng rãi như vậy. Theo thống kê, khả năng cao tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ của bạn và nếu đúng như vậy thì chứng tỏ bạn được hưởng một nền giáo dục tốt. Một lần nữa, xin chúc mừng.
Dưới đây là mười điều mà có thể bạn chưa biết về thứ ngôn ngữ tuyệt vời này của chúng ta:
1. Tiếng Anh là ngôn ngữ duy nhất không có viện hàn lâm
L’Académie française (Viện Hàn lâm Pháp) ở Paris chịu trách nhiệm giám sát ngôn ngữ Pháp. Một nhiệm vụ của viện này là đề xuất các lựa chọn thay thế cho các từ tiếng Anh được đưa vào tiếng Pháp. Ví dụ, từ email sẽ được chuyển thành courriel (dù bạn sẽ vẫn nghe thấy người ta sử dụng từ email trong tiếng Pháp).
Ở Tây Ban Nha, có Real Academia Española (tiếng Anh: Royal Spanish Academy, tạm dịch: Viện Hàn lâm Hoàng gia Tây Ban Nha) và ở Đức có Rat für deutsche Rechtschreibung (tiếng Anh: Council for German Orthography, tạm dịch: Hội đồng kiểm soát Hệ thống chính tả Đức), còn ở Anh không có cơ quan nào giám sát ngôn ngữ này. Trong số 10 ngôn ngữ được nói nhiều nhất trên thế giới, chỉ duy nhất tiếng Anh là không có viện hàn lâm nào giám sát.
Điều này được lý giải bằng những lý do về chính trị. Lần gần đây nhất nước Anh nhen nhóm ý định về việc thành lập một viện ngôn ngữ là vào đầu thế kỷ XVIII, khi tác giả của cuốn Gulliver’s Travels (tạm dịch, Gulliver du kí), Jonathan Swift, vận động hành lang mạnh mẽ cho việc thiết lập một viện ngôn ngữ bởi “Ngôn ngữ của chúng ta cực kỳ chưa hoàn chỉnh… những Cải tiến ngôn ngữ hàng ngày không là gì so với những Sai lỗi hàng ngày (và) trong nhiều trường hợp, nó vi phạm mọi Quy tắc Ngữ pháp.” Ý tưởng này được nữ hoàng Anne ủng hộ, nhưng bà đã qua đời trước khi kịp đưa ra quyết định và vấn đề này phần lớn đã bị chìm vào lãng quên.
Ở Hoa Kỳ, dự thảo luật về việc thành lập một viện quốc gia đã được đề xuất trước quốc hội vào năm 1806 nhưng không thành công. Mười bốn năm sau đó, American Academy of Language and Belles Lettres (tạm dịch: Viện Ngôn ngữ và Văn học Mỹ) đã được thiết lập với John Quincy Adams giữ cương vị giám đốc, nhưng 2 năm sau đó phải đóng cửa vì gần như không nhận được sử ủng hộ từ giới chính trị và công chúng.
Ngày nay, quốc gia nói tiếng Anh duy nhất có viện ngôn ngữ là Nam Phi. Vì tiếng Anh đã trở nên quá phổ biến mà chẳng cần có bất cứ định hướng nào, hy vọng về việc sẽ sớm có một viện hàn lâm được xây dựng dường như không mấy khả quan.
2. Khi bạn đọc bài viết này, có hơn 1 tỉ người đang học tiếng Anh
Theo Hội đồng Anh, vào năm 2000, có khoảng 1 tỉ người trên thế giới đang học tiếng Anh. Con số này hiện nay có xu hướng cao hơn đáng kể.
3. 96 trong số 100 từ tiếng Anh thông dụng nhất có gốc Đức
Trong số 100 từ tiếng Anh được sử dụng nhiều nhất, 96 từ có gốc Đức. 100 từ này khi được dùng chung với nhau, làm nên hơn 50% bộ Oxford English Corpus (tạm dịch: Tập sao lục tiếng Anh Oxford) hiện chứa hơn 2 tỉ từ được tìm thấy trong các văn bản viết trên khắp thế giới.
Ngạc nhiên chưa? Những từ được sử dụng nhiều nhất là máu thịt của ngôn ngữ, là những gì cốt yếu nhất khiến cho giao tiếp được hiệu quả, bao gồm I, you, go, eat, v.v. Tiếng Anh cố phát triển từ nhiều ngôn ngữ Đức khác nhau du nhập vào Quần đảo Anh vào nửa sau của thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên.
Mặc dù kể từ đó ngôn ngữ, bao gồm cả ngữ pháp, đã thay đổi đến mức không thể nhận ra, những từ ngữ cơ bản vẫn giữ nguyên như vậy.
4. …nhưng phần lớn các từ được đưa vào tiếng Anh từ năm 1066 có gốc Latinh
Nếu tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn nhưng bạn thấy tiếng Pháp hay Tây Ban Nha dễ hiểu hơn tiếng Đức, yên tâm, không chỉ một mình bạn cảm thấy vậy đâu. Nghe có vẻ kỳ lạ do tiếng Anh và tiếng Đức đều thuộc cùng một nhánh của ngữ hệ Ấn-Âu.
Thời kỳ Phục hưng, bắt đầu ở Ý và đến Anh qua Pháp, là khởi nguồn của hàng loạt các từ vựng mới. Những ý tưởng mới hay những ý tưởng cũ được khai phá lại bắt đầu tràn ngập ở các thành phố miền nam nhưng không có từ ngữ nào để mô tả chúng trong tiếng Anh. Vì thế, ngôn ngữ này đã vay mượn hoặc điều chỉnh các từ tiếng Latinh cho phù hợp khiến cho lượng từ vựng tiếng Anh trong thời kỳ Phục Hưng đã gần như tăng lên gấp đôi.
Tuy nhiên, xu hướng tách rời ngôn ngữ Đức đã bắt đầu sớm hơn nhiều, bởi…
5. Giới quý tộc Anh từng không biết nói tiếng Anh trong hơn một thế kỷ
William Kẻ chinh phục từng cố gắng học tiếng Anh vào năm 43 tuổi nhưng đã từ bỏ. Ông dường như không yêu thích vùng đất mà mình đã chinh phạt vào năm 1066 khi dành một nửa thời gian trị vì ở nước Pháp và không đến Anh một lần nào trong 5 năm nắm quyền. Đương nhiên, các nam tước nói tiếng Pháp được giao quyền cai trị vùng đất.
Trong 20 năm người Norman nắm quyền ở Anh, hầu như tất cả các tổ chức tôn giáo địa phương đều nói tiếng Pháp. Các quý tộc mang theo những đoàn tùy tùng lớn và sau đó là những thương nhân người Pháp – những người gần như chắc chắn nói cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Đổi lại, những người Anh với tham vọng gia nhập tầng lớp thượng lưu và hòa nhập với những kẻ thống trị sẽ học tiếng Pháp. Trong một thế kỷ sau cuộc xâm lược của người Norman, khoảng 10.000 từ tiếng Pháp đã được tiếp nhận vào ngôn ngữ Anh.
Có rất ít bằng chứng cho thấy giới quý tộc nói tiếng Anh. Mãi cho đến cuối thế kỷ XII, chúng ta mới có bằng chứng về việc con cái trong các gia đình quý tộc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất. Vào năm 1204, giới quý tộc Anh mất gia sản ở Pháp và tiếp nhận tiếng Anh một phần cũng vì niềm tự hào dân tộc!
6. …là lý do tại sao các từ gốc Latinh nghe có vẻ sang trọng hơn các từ gốc Đức
Hãy nghĩ về sự khác biệt giữa house (ngôi nhà gốc Đức) và mansion (dinh thự gốc Pháp), hay giữa starting và commencing (cả hai từ đều là bắt đầu), giữa việc gọi thứ gì đó là kingly hay regal (cả hai từ đều là vương giả). Tiếng Anh có rất nhiều từ gần đồng nghĩa với sự khác biệt lớn nhất nằm ở mức độ trang trọng hay địa vị. Tiếng Latinh gần như lúc nào cũng được coi là sang trọng.
Tên của các loài động vật và các loại thịt cũng phản ánh hiện tượng này. Từ xa xưa, trong tiếng Anh, các loài động vật có tên gọi gốc Đức nhưng khi được nấu lên thì lại có tên tiếng Pháp. Ví dụ, swine (con lợn) là gốc Đức nhưng pork (thịt lợn) là từ tiếng Pháp, sheep (cừu) là từ gốc German nhưng mutton (thịt cừu) là từ tiếng Pháp. Nguyên nhân khả năng là vì người nói tiếng Anh làm việc trong nông trại trong khi những người tiêu thụ những nông sản ấy lại là người nói tiếng Pháp.
7. Quan niệm về cách viết chính tả “chuẩn” mới xuất hiện gần đây
Có nhiều lý do để giải thích cho cách viết chính tả rất thất thường của tiếng Anh, trong đó bao gồm việc chưa có một viện hàn lâm, những đóng góp của Noah Webster (phần dưới) và việc thành lập xưởng in của William Caxton ngay trước khi có những thay đổi đáng kể trong cách phát âm. Nhưng quan niệm về cách viết chính tả đúng hay sai vẫn chưa thực sự được coi là quan trọng cho đến thế kỷ XVII khi những cuốn từ điển đầu tiên được xuất bản. Kể cả khi đó, vấn đề này gần như vẫn là một cuộc tranh cãi của các học giả và nhà văn.
Ví dụ, Shakespeare có phong cách viết chính tả rất tự do phóng khoáng và ông thường sử dụng nhiều biến thể khác nhau của cùng một từ trong cùng một đoạn văn. Bản thân tên của ông cũng được viết theo nhiều cách khác nhau trong nhiều thế kỷ.
8. Một người chịu trách nhiệm chính cho sự khác biệt giữa cách viết của tiếng Anh Anh và Anh Mỹ
Noah Webster, cái tên mà bạn vẫn nhìn thấy ở trang đầu nhiều bộ từ điển của Mỹ, là một nhà ái quốc. Sinh ra ở West Hartford, Connecticut vào năm 1758, ông tin rằng một quốc gia mới nổi vĩ đại như Hoa Kỳ cần một ngôn ngữ của riêng mình: tiếng Anh Mỹ.
Webster thấy rằng tiếng Anh trong sách giáo khoa lúc bấy giờ đã bị giới quý tộc Anh làm sai lạc do bị ảnh hưởng quá nhiều từ tiếng Pháp và thời kỳ Cổ điển. Ông muốn viết những cuốn sách của Mỹ cho người Mỹ học, những cuốn sách này đại diện cho một quốc gia trẻ, kiêu hãnh và tiến bộ.
Từ năm 1783 đến năm 1785, ông đã hoàn thành 3 cuốn sách về ngôn ngữ Anh cho các trường học ở Mỹ. Khi Webster còn sống, 385 ấn bản cuốn Speller của ông đã được xuất bản. Cách viết từ color (màu sắc) của Mỹ ban đầu là theo cách viết colour của Anh, nhưng những ấn bản sau này đã thay đổi cách viết này. Những điểm khác biệt khác bao gồm cách viết từ center của Mỹ so với centre của Anh, và traveler thay vì traveller. Webster muốn làm cho cách viết chính tả hợp lý hơn, phù hợp với một quốc gia được xây dựng trên các nguyên tắc tiến bộ. Đây là một ví dụ hiếm hoi về một người biên soạn từ điển cố gắng định hướng ngôn ngữ Anh thay vì mô tả nó.
Ở Anh, việc sử dụng các từ ngữ đặc Mỹ (Americanisms) gần như chắc chắn sẽ khiến mọi người thấy khó chịu. Nhưng không phải tất cả các từ ngữ nhìn đặc Mỹ đều là từ đặc Mỹ. Ví dụ,…
9. -ize không phải là hậu tố của Anh Mỹ
Nhiều người tin rằng cách viết khác nhau của những từ như popularise/ize, maximise/ize và digitise/ize là để phân biệt tiếng Anh Anh và Anh Mỹ.
Nhìn vào chữ z đó – nó chẳng phải là đặc trưng của Anh Mỹ sao?
Không phải vậy, theo Oxford English Dictionary, từ điển này đã loại bỏ chữ s của tiếng Pháp và lấy chữ z của tiếng Anh cổ.
10. Ngôn ngữ Anh sẽ thay đổi rất nhiều, dù bạn có thích hay không!
Điều duy nhất bất biến trong ngôn ngữ là sự thay đổi. Khi một ngôn ngữ ngừng thay đổi, nó trở thành thuần tính học thuật, như tiếng Latinh hoặc tiếng Hy Lạp cổ.
Các từ ngữ mới được sáng tạo ra liên tục. Nếu bạn hỏi ai đó 20 năm trước liệu họ đã googled người mà họ vừa friended trên Facebook chưa, họ sẽ trố mắt ra nhìn bạn một cách khó hiểu (công cụ kiểm tra chính tả vẫn gạch chân màu đỏ những từ này).
Từ vựng thay đổi nhanh hơn ngữ pháp, nhưng thậm chí ngay cả ngữ pháp tiếng Anh cũng đang phát triển. Ví dụ, tặng cách who đang ngày càng được sử dụng phổ biến để thay thế whom. Ví dụ, “Who can you blame?” Hàng thập kỷ trước, câu này đã bị gạch đỏ do lỗi ngữ pháp, nhưng bây giờ trông nó chẳng có vấn đề gì đúng không?
Tương tự như vậy, “Gulliver’s Travels author Jonathan Swift” là một ví dụ về một loại ngữ pháp nghe có vẻ rất lạ thậm chí là 50 năm trước nhưng giờ bạn có thấy lạ không?
Có một điều chắc chắn là: với hơn 1 tỉ người nói tiếng Anh trên khắp thế giới và phần lớn trong số họ nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, sẽ có rất nhiều sự thay đổi sắp diễn ra trong thời gian tới!